Xung đột Biển Đỏ (Kỳ II): Hóa giải tác động
Xung đột Biển Đỏ gây xáo trộn chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Do đó, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần có giải pháp ứng phó.
Điều đáng mừng là có những dấu hiệu gần đây cho thấy cuộc xung đột Biển Đỏ sẽ không mở rộng thành xung đột khu vực nhờ vai trò của Iran.
>> Biển Đỏ, cảnh báo đỏ?
Triển vọng và tác động của xung đột
Houthi là nhóm phiến quân hình thành từ thập kỷ 1990, nổi lên từ nội chiến ở Yemen. Nhóm này mang tên người sáng lập là Hussein Houthi, người lãnh đạo bây giờ là người em tên là Abdul Malik al-Houthi. Nhóm này là dòng Hồi giáo Shiit và tự nhận là có liên kết với Hamas và phong trào Hezbollah ở Liban và đều do Iran hậu thuẫn. Các chuyên gia cho rằng phải có Iran hậu thuẫn và trợ giúp về mặt tình báo và dẫn đường thì nhóm này mới có thể tấn công các tàu hàng ở Biển Đỏ.
Đáng lo ngại hơn nhiều là các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn đóng tại Iraq đã có những cuộc tấn công nguy hiểm vào quân đội Mỹ đóng tại nước này làm ba quân nhân Mỹ thiệt mạng. Điều này đã gây lo ngại toàn cầu rằng cuộc xung đột Biển Đỏ sẽ trở thành xung đột toàn khu vực. Nếu điều này trở thành hiện thực, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động tiêu cực không thể lường trước được. Tuy nhiên, ngày 18/2/2023 Tổng Tư lệnh quân đội của Iran Esmail Quaani đã tới Iraq yêu cầu các phiến quân ngừng tấn công vào lực lượng Mỹ. Dấu hiện này cho thấy xung đột Biển Đỏ có thể sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Sau những tin tức này, giá dầu WTI giảm tới 2,7% trong phiên giao dịch ngày 24/3/2004.
Vậy xung đột Biển Đỏ sẽ kéo dài bao lâu? Hiện còn quá sớm để nói chính xác là còn bao lâu nữa thì xung đột này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, xét về so sánh lực lượng thì Hamas chỉ là lực lượng nhỏ đối với Israel. Trong khi Israel cho biết mục tiêu cơ bản của họ là loại bỏ Hamas và đến nay, họ gần đạt được mục tiêu. Đồng thời, các bên liên quan cũng cho thấy các nỗ lực tìm kiếm hòa bình là có triển vọng. Nói cách khác, cuộc xung đột Israel – Hamas có thể sẽ không kéo dài. Do đó, các hành động của nhóm Houthi nhiều khả năng cũng sẽ sớm chấm dứt.
>> Khủng hoảng Biển Đỏ ảnh hưởng thế nào tới thương mại Việt Nam?
Như vậy, tác động tiêu cực của cuộc xung đột đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế toàn cầu có thể sẽ không quá lớn. Lạm phát vì thế sẽ không phải là mối đe dọa đáng kể. Chính những yếu tố này đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu rằng họ đã tự tin trong việc kiểm soát lạm phát và có thể nghĩ tới việc cắt giảm lãi suất. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cắt giảm lãi suất, nếu có, cũng phải từ nửa cuối năm 2024 và mức độ cắt giảm còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể.
Hàm ý cho Việt Nam
Cuộc xung đột Biển Đỏ ít nhiều tác động đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Những hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu và đến Bờ Đông Bắc Mỹ đi qua Địa Trung Hải bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo số liệu thống kê năm 2022, xuất khẩu sang EU chiếm 12,6%, sang Mỹ chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Công Thương Việt Nam, kể từ khi xung đột Biển Đỏ xảy ra, chi phí đối với các hàng xuất khẩu của Việt Nam đi qua vùng này tăng từ 55% đến 73%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dù triển vọng xuất khẩu tôm và cá tra là khá tốt nhưng vì chi phí tăng như vậy nên Bộ này đã phải hạ mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2024 xuống 9,5 tỷ USD từ mức 10 tỷ USD năm 2023. Tất nhiên, việc hạ mục tiêu trên cũng vì một số trở ngại khác, như việc bị điều tra trợ cấp từ phía Mỹ có thể xảy ra trong năm 2024.
Chi phí tăng do một số hàng phải đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng, đi bằng đường sắt, thậm chí một số hàng dệt may còn phải đi bằng hàng không. Mặt khác, thời gian giao hàng cùng vì thế mà bị trì hoãn kéo dài.
Để ứng phó với những tác động tiêu cực từ xung đột Biển Đỏ, Việt Nam không cần quá lo lắng, ngoài một số thay đổi mang tính chiến thuật nhằm giảm tác động do chi phí và thời gian vận chuyển tăng đối với một số mặt hàng xuất khẩu, cần cập nhật tình hình chính sách vận chuyển của các công ty vận chuyển và tình hình xung đột Biển Đỏ để thích ứng kịp thời.
Mặt khác, như đã đề cập ở trên, lãi suất của đồng USD về cơ bản sẽ được giữ nguyên hoặc có thể giảm chút ít, và Việt Nam không phải quá lo ngại về lạm phát do tác động từ xung đột Biển Đỏ. Do đó, áp lực lên chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể giảm bớt.
Có thể bạn quan tâm
Biển Đỏ “rực lửa”: Đề xuất phát triển đội tàu container thương hiệu Việt Nam
02:30, 08/02/2024
Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ sụt giảm lợi nhuận vì xung đột Biển Đỏ
03:00, 08/02/2024
Biển Đỏ "rực lửa": Ba kịch bản tương lai
02:30, 07/02/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”, hãng tàu có "đục nước béo cò"?
11:29, 06/02/2024
Biển Đỏ “rực lửa”: Bảy đề xuất “gỡ khó” cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
11:03, 06/02/2024