Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần một hành lang pháp lý đồng bộ
Để góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, tạo cơ sở rõ ràng cho công tác quản lý với thuốc lá thế hệ mới, theo chuyên gia, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ…
>> Các quốc gia hành động gì trước “cơn lốc” thuốc lá thế hệ mới?
Thuốc lá thế hệ mới bao gồm các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Mặc dù, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm kéo giảm tình trạng sử dụng thuốc lá, cũng như nghiêm cấm hút thuốc lá tại công sở, trường học và nơi công cộng. Song, do các chính sách quản lý, chế tài xử lý chưa được cụ thể hóa đã khiến thuốc lá thế hệ mới được quảng cáo, bày bán công khai; người dùng, nhất là giới trẻ, học sinh, sinh viên rất dễ dàng tiếp cận, sử dụng, khiến tình trạng sử dụng thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng. Trong khi, chế tài xử phạt đang áp dụng với thuốc lá điếu truyền thống không đủ cơ sở để áp dụng.
Thực tế, dù mới du nhập thị trường nội địa một vài năm trở lại đây, thế nhưng, sản phẩm này có mức tiêu thụ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, do chưa ban hành chính sách quản lý nên toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang lưu thông trên thị trường hiện nay đều là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, một số thống kê gần đây cho thấy, thuốc lá điện tử lậu chiếm tới 90% thị trường thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù ở Việt Nam hiện nay các loại thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể tiếp cận các sản phẩm này dễ dàng cả ở trên mạng và chợ truyền thống.
>> Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới: Nhu cầu bức thiết từ người sử dụng
“Lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý nhưng thực tế người dân vẫn mua và sử dụng được các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Khi chưa có chính sách quản lý, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát, vậy không biết là người dân đang hút cái gì vào người?”, ông Quý chia sẻ.
Còn theo bà Hà Thị Doánh, đại diện Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, phần lớn thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là hàng hóa nhập lậu, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng để xác định đây là mặt hàng dạng cấm hay kinh doanh có điều kiện hay hàng hóa thông thường chưa có.
Mặt khác, đơn vị này cũng cho biết sau khi rà soát lại các luật quy định hiện hành không có quy định xác định thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng cấm. Hàng hóa này hiện được xử lý theo dạng hàng nhập lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Mức xử phạt cao nhất là 50 triệu đồng với cá nhân, 100 triệu đồng với tổ chức. Trong khi đó, với thuốc lá truyền thống có thể xử lý theo Bộ Luật Hình sự.
“Các cơ quan chức năng khi kiểm tra, xử lý đều đặt câu hỏi, thuốc lá điện tử có được coi hàng cấm hay không? Qua rà soát các quy định cho thấy không có cơ sở đây là hàng cấm, nên xử phạt chủ yếu là hành vi hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ”, bà Doánh chia sẻ.
Từ thực trạng nêu trên, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, Việt Nam không nên tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành mà cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời áp dụng cho cả thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng để giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên, góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu đang ngày càng gia tăng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để quản lý mặt hàng này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề xuất, cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này. Trong đó, cần làm rõ khái niệm về thuốc lá thế hệ mới, các danh mục sản phẩm, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, quy chuẩn, ghi nhãn, quảng cáo, dán cảnh báo, quy định thuế, mức độ xử phạt hành chính và xử lý hình sự… đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và đủ sức răn đe.
Để có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong quản lý thuốc lá thế hệ mới, một số chuyên gia cũng kiến nghị, các cơ quan Nhà nước nên khảo cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra hướng quản lý toàn diện đối với các sản phẩm này dựa trên tính phù hợp với định nghĩa của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.
Đồng thời, Chính phủ cần có sự tăng cường hợp tác với các chủ thể của ngành thuốc lá, các hiệp hội tiêu dùng, tổ chức nghiên cứu - khoa học uy tín độc lập để nắm bắt xu hướng phát triển của thuốc lá mới, đặc điểm cấu tạo và sự phát triển của từng loại sản phẩm, cập nhật bằng chứng khoa học đúng đắn, tiếp tục hoàn thiện khung chính về quản lý, giảm thiểu tác hại, nâng cao nhận thức thực chất đối với người sử dụng. Một khung pháp lý toàn diện về thuốc lá thế hệ mới sẽ không chỉ đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh thất thu thuế, mà còn tạo cơ sở giúp cơ quan quản lý nâng cao công tác quản lý.
Có thể bạn quan tâm
Các quốc gia hành động gì trước “cơn lốc” thuốc lá thế hệ mới?
11:00, 22/03/2024
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần có cách tiếp cận phù hợp
03:00, 25/12/2023
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Cần công bằng đối với tất cả doanh nghiệp
15:46, 19/12/2023
Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới
15:08, 11/09/2023
Nhìn ra thế giới để hoàn thiện khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới
13:00, 06/09/2023