“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán - Bài cuối: Cần những giải pháp căn cơ
“Để ngăn chặn hoàn toàn lừa đảo là bất khả thi. Do đó, để hạn chế vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân…”.
Đây là chia sẻ của ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trước vấn nạn lừa đảo đang nhức nhối xã hội hiện nay.
>>“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán - Bài 4: Những “khổ chủ” lên tiếng
Theo đó, thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ việc đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích từ ứng dụng công nghệ để thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Trong đó, nhiều vụ việc lừa đảo tham gia đầu tư chứng khoán trên không gian mạng với lợi nhuận "khủng” đã khiến không ít nạn nhân "sập bẫy" và mất tiền oan.
Theo các chuyên gia, loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn. Để dụ dỗ người bị hại thì ngay từ ban đầu đối tượng sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để làm tin. Sau khi cho hưởng lợi nhuận thì đối tượng tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền để thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.
Chưa dừng lại, các đối tượng tiếp tục tung tin là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại số tiền đã thua lỗ. Chính vì tiếc số tiền đó nên người bị hại đã đi vay thêm tiền để tiếp tục đầu tư với hy vọng sẽ lấy lại được số tiền đã đầu tư trước đó, cho đến khi không còn khả năng nữa người bị hại mới nghi ngờ đây là lừa đảo mới trình báo cơ quan công an.
>>“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán: Bài 1- Những tuyệt chiêu “lùa gà”
Chia sẻ về nội dung này, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Cục An toàn thông tin đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; điều phối ngăn chặn các trang thông tin phạm pháp, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng…
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi việc thuê bao di động chính chủ được các đơn vị phối hợp triển khai có kết quả, các hình thức lừa đảo qua điện thoại sẽ giảm, việc xác minh danh tính chính xác của đối tượng thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp sẽ rõ ràng, đầy đủ.
Ông Trần Quang Hưng cũng khẳng định các chiêu trò lừa đảo trên mạng sẽ liên tục thay đổi, việc cơ quan chức năng đuổi theo, ngăn chặn hoàn toàn các chiêu trò lừa đảo là bất khả thi. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Nhận định lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, trong khi người dùng chưa được cập nhật thông tin đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ông Trần Quang Hưng cho biết ngoài việc cơ quan quản lý sẽ tiến hành xử lý về công nghệ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để loại bỏ lừa đảo, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh tuyên truyền thông tin nhanh chóng, kịp thời về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến càng nhiều người càng tốt. “Bên cạnh đó, người dân cần chủ động, tỉnh táo tránh mắc bẫy lừa đảo gây thiệt hại tài chính từ những thông tin trên mạng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Đưa ra lời khuyên để nhà đầu tư tránh rơi vào “bẫy” lừa đảo, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cũng khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng.
Cũng theo ông Lương, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.
“Mỗi người cũng cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Trong trường hợp gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan Công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời” - Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nói.
Có thể bạn quan tâm
“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán: Bài 1- Những tuyệt chiêu “lùa gà”
11:00, 08/03/2024
“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán - Bài 2: “Mật ngọt” từ chuyên gia “dởm”
03:00, 18/03/2024
“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán - Bài 3: “Giả” nhân viên, “nhái” doanh nghiệp
03:00, 21/03/2024
“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán - Bài 4: Những “khổ chủ” lên tiếng
03:30, 23/03/2024