Với chiêu trò bài bản, những “chuyên gia” tự xưng “tung” những lời quảng cáo mĩ miều để lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư chứng khoán, theo đó, nhiều người đã mất tiền tỷ chỉ trong... một nốt nhạc.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại cũng là lúc các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để lôi kéo người dân tham gia đầu tư. Thực tế, do thiếu kiến thức và nhẹ dạ, cả tin, nên các đối tượng lừa đảo chỉ cần dùng vài chiêu trò để dụ dỗ, các nạn nhân này đã “rồng rắn” dính bẫy.
>>“Sập bẫy” đầu tư chứng khoán: Bài 1- Những tuyệt chiêu “lùa gà”
Vừa qua, anh P.N.T (40 tuổi, ngụ TP Pleiku, Gia Lai) đã đến Cơ quan công an trình báo việc mình bị chiếm đoạt 2 tỷ đồng từ một cuộc gọi mời tham gia đầu tư chứng khoán. Người gọi cho anh T. giới thiệu tên Lý Hà Phương, nhân viên sàn chứng khoán Hồng Kông. Sau khi kết bạn Zalo, anh T. được Phương cho xem các giấy tờ pháp lý, giấy chứng nhận thành lập quỹ đầu tư, giấy phép kinh doanh hoạt động của công ty.
Phương cam kết đầu tư sẽ hưởng lợi nhuận cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, nếu đầu tư thua lỗ sẽ đền bù thiệt hại, đảm bảo người đầu tư sẽ không mất mát gì. Ngoài ra, mua các mã cổ phiếu thông qua các app, website sẽ được ưu đãi thấp hơn so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán nhiều lần.
Sau nhiều lần thuyết phục, anh T. đồng ý và được cho vào nhóm Zalo do "tiến sĩ" Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp hướng dẫn đầu tư chứng khoán. Hàng tuần, vào lúc 19 giờ từ Thứ hai đến Thứ sáu, "tiến sĩ" Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp giảng dạy về kiến thức giao dịch chứng khoán, cách mua bán cổ phiếu. Các đối tượng còn hướng dẫn anh T. tạo tài khoản, cách thức nạp, rút tiền, mua bán cổ phiếu trên ứng dụng đã tải về trên điện thoại. Ngoài việc hướng dẫn đầu tư, những người trong nhóm liên tục khoe tin nhắn, bằng chứng về việc đã kiếm được bao nhiêu tiền, khoe đi ăn chơi, du lịch, khoe nhà đẹp, xe sang... rất bắt mắt.
Lần thứ nhất, anh T. chuyển số tiền 60 triệu đồng đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để đầu tư chứng khoán. Sau khi chuyển tiền đầu tư, tài khoản chứng khoán của anh T. trên ứng dụng có được lợi nhuận hơn 1,8 triệu đồng. Anh được quyền rút số tiền lời này về tiêu.
Lần thứ hai, anh tiếp tục chuyển 40 triệu đồng để tham gia tiếp thì được các đối tượng khuyên "đầu tư càng lớn, lợi nhuận càng cao". Tin tưởng, anh T. đã chuyển nhiều lần với số tiền cả gốc và lãi là 1,8 tỷ đồng để tham gia. Khi anh T. làm lệnh để rút toàn bộ số tiền trên ứng dụng về tài khoản ngân hàng của mình thì các đối tượng không cho rút. Chúng yêu cầu anh phải đóng 15% hoa hồng trên lợi nhuận, đóng thuế thu nhập cá nhân mới được rút tiền. Anh T. tiếp tục chuyển 671 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng, nhưng vẫn không rút được tiền. Biết bị lừa, nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan công an.
Cũng bị lừa với kịch bản tương tự, Anh N.X.Sơn (Nghệ An) cho biết khi đang lướt Facebook thì thấy các quảng cáo về khóa học chứng khoán online miễn phí xuất hiện nên cũng nhập thông tin cá nhân vào, sau đó có người liên hệ và thêm vào nhóm trên Zalo. Đều đặn trong khung 20h-21h hàng ngày, anh Sơn và nhiều người khác truy cập vào đường link được các trợ lý gửi cho, rồi cùng nhau học tập về chứng khoán, do "thầy" Tony Nguyễn giảng dạy.
"Vừa vào lớp học tôi đã bị ấn tượng mạnh, vì "thầy" rất giỏi, chuyên môn cao lắm, phân tích và dự báo thị trường rất chuẩn", anh Sơn chia sẻ. Sau một thời gian học tập, một người xưng là trợ lý của "thầy" Tony Nguyễn đã tiếp cận anh, hướng dẫn mở tài khoản chứng khoán nội bộ, khuyến nghị mua cổ phiếu với hứa hẹn lợi nhuận cao, được mua bán trong ngày (giao dịch T+0), giao dịch trên ứng dụng VietDiamondStock.
"Ngày nào trên nhóm Zalo cũng có người khoe lãi lớn nhờ mua theo cổ phiếu được "thầy" khuyến nghị. Nhiều người còn chụp hình tiền lãi nhận về tài khoản ngân hàng. Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ, lên trên mạng tìm các từ khóa như "chiêu trò lừa đảo chứng khoán" nhưng không thấy hình thức này, nên cũng yên tâm", anh Sơn cho hay.
Sau khi bỏ ra 35 triệu đồng để "thử" mua cổ phiếu theo khuyến nghị, tài khoản của anh Sơn được cộng thêm khoản lời từ 2 - 7% ngay trong ngày. Thử làm lệnh rút tiền, anh Sơn nhận được cả gốc lẫn lời nên càng tin tưởng. Sau đó, anh Sơn được tư vấn nâng vốn lên để "thầy" cho hưởng đặc quyền nhận mã cổ phiếu chủ lực với mức lãi từ 50% trở lên ngay trong ngày.
Chẳng hạn, cổ phiếu A có giá thị trường 50.000 đồng, "thầy" bán lại cho anh với giá chỉ 25.000 đồng. Chưa tính đến chuyện cổ phiếu này có tăng giá hay không, anh Sơn đã lãi 25.000 đồng. "Thầy" giải thích là đã liên kết với nhiều quỹ khác, thu mua gom cổ phiếu từ lúc giá rất rẻ, nên bán lại cho những người sử dụng tài khoản nội bộ!
Do vậy, anh Sơn nâng vốn đầu tư lên 200 triệu đồng và sau đó là lên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, anh còn được một người trong nhóm này mời chào vay ký quỹ (margin) với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng (số tiền hiện lên trong ứng dụng).
Chỉ trong một tuần, với vốn gốc 1 tỉ đồng, ứng dụng đầu tư chứng khoán đã báo anh Sơn có "siêu lợi nhuận" 800 triệu đồng.
"Mừng quá, làm lệnh rút tiền nhưng rút mãi không được. Họ đưa ra đủ lý do, rồi nói muốn rút tiền thì phải thoát khỏi nhóm Zalo. Ra khỏi nhóm Zalo cũng không rút được tiền, lúc đó mới biết mình bị lừa. Sau đó mới biết nhóm có 100 người thì có đến 80 người là chim mồi, còn khoảng 20 người là nạn nhân như mình", anh Sơn ngậm ngùi.
Không rút được tiền, anh Sơn còn bị nhóm này dọa sẽ kiện vì vay số tiền 1,4 tỉ đồng để mua bán chứng khoán. Trong khi trên thực tế 1,4 tỉ đồng chỉ là con số hiển thị trên ứng dụng giao dịch. "Có người còn bị lừa đóng thêm 30% để được làm lệnh rút tiền, nhưng cuối cùng mất tất cả. Nhiều người bị mất cả chục tỉ đồng", anh Sơn chia sẻ.
>>Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Phân tích từ một số vụ việc lừa đảo gần đây, các luật sư nhận định, hầu hết các nạn nhân đều bị dẫn dụ bằng một chiêu thức rất cơ bản, đó là được chứng kiến sự giàu có, tiền bạc, nhà lầu, xe sang của các chuyên gia, diễn giả hoặc các học viên trong khóa học. Do đó, họ nhanh chóng bị “sập bẫy” từ những mánh khóe rất tinh vi của nhóm lừa đảo.
Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW chia sẻ, thời gian gần đây anh thấy nhiều người tham gia các trò gọi là mua bán hay đầu tư giao dịch trên không gian mạng. Họ hoàn toàn không hiểu về cái mình đang làm và cũng không biết hay quan tâm mình đang giao dịch với ai, đối tác nào, công ty nào, tên là gì, địa chỉ ở đâu, có giấy phép hoạt động hay không...
Họ chỉ được một cá nhân vô danh, năng lực tài chính không bằng họ, lôi kéo, hứa hẹn và chém gió, nhưng họ lại bị mờ mắt bởi lợi nhuận không tưởng - vài chục phần trăm một tháng để đánh cược với số tiền của mình, của gia đình mình.
Thậm chí, họ ngoan ngoãn nghe theo lời nói mật ngọt của một người lạ không biết ở tận đâu qua điện thoại mà nghe giọng nói chỉ cỡ tuổi con cháu, rồi làm theo đúng hướng dẫn, bắt đầu từ từ "đi vào chỗ chết". Họ nộp tiền vào nơi mà họ không biết ai đã tạo ra. Họ không biết rằng chỉ cần người ta tắt máy, tắt mạng, xóa trang web là họ sẽ bất lực và không biết kêu ai, kêu như thế nào.
"Đến khi mất tiền vì bị lừa họ vẫn nghĩ mình là những nhà đầu tư đáng thương. Chẳng lẽ cứ bỏ tiền ra giao dịch mua bán như đánh bạc thì được gọi là nhà đầu tư? Ở đây tôi thấy còn không bằng đi đánh bạc, vì không biết đang đánh bạc với ai!", luật sư Tuấn chia sẻ.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
00:30, 18/02/2024
Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
00:06, 07/02/2024
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán 2024
03:00, 31/01/2024
Cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
03:30, 06/01/2024