Nam Định: Siết chặt quản lý thị trường
Thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh.
>>>Nam Định: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến biên giới biển
Nhờ đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Xử lý kịp thời
Theo Cục quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định, năm 2023, với sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành cùng tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực, QLTT tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác.
Toàn lực lượng đã kiểm tra 822 vụ, xử lý hơn 411 vụ, phạt tiền và trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 5 tỷ đồng, thu nộp ngân sách gần 4 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2022; góp phần quan trọng kiểm soát thị trường, đấu tranh ngăn ngừa buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Lê Quang Tú - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nam Định cho biết: quyết tâm đổi mới về cả tư duy, cách làm phù hợp hình hình mới, Cục QLTT đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đề cao tính kỷ luật; triển khai kiểm tra các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Trong đó, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm đảm bảo tính răn đe, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả công tác
Theo Cục QLTT tỉnh Nam Định: Đơn vị đã triển khai trong toàn lực lượng tham gia giải thưởng “Ấn chỉ vàng” và “Ứng dụng INS tốt nhất” do Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) phát động. Trong đó đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT lên trang thông tin điện tử Cục; thường xuyên viết tin, bài về các vụ việc đã kiểm tra, xử lý vi phạm đăng trên website Cục và Tổng cục QLTT; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện nhiều chuyên đề, phóng sự về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. Nhờ đó, chất lượng thực thi nhiệm vụ của lực lượng QLTT đã được nâng cao rõ rệt.
Tình hình gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường trong thời gian tới dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử với thủ đoạn tinh vi không ngừng gia tăng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao và các mục tiêu đề ra, Cục QLTT tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh,.., chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, nhất là thực hiện nghiêm túc bản cam kết đối với trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và người lao động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thời gian tới, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh Cục QLTT tỉnh Nam Định cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các nền tảng số.
Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện việc ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…
Chú trọng công tác quản lý địa bàn, giám sát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền đảm bảo hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực được phân công. Làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thương mại để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và đồng tình với hoạt động chuyên môn của lực lượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác QLTT, góp phần bảo đảm thị trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm