Hà Nội: Thị trường văn phòng, thương mại chuyển mình ấn tượng
Theo Cushman&Wakefield, thị trường văn phòng, thương mại Hà Nội trong các năm qua có sự tăng trưởng ấn tượng, song thời gian tới nguồn cung mới khá lớn có thể tạo ra áp lực lên tỷ lệ hấp thụ và giá.
>>Sôi động thị trường văn phòng cho thuê cao cấp tại trung tâm
Tại báo cáo thị trường vừa công bố, Cushman&Wakefield cho hay, thị trường văn phòng Hà Nội từ 2014 đến nay có sự thay đổi đáng kể về số lượng lẫn chất lượng. Nguồn cung tăng 1,6 lần, giá thuê tăng trưởng 10%. Trong đó, lõi đô thị Hà Nội vẫn sẽ là trung tâm văn phòng chủ yếu của miền Bắc, nhất là tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, và Nam Từ Liêm.
Trong 10 năm phát triển, tính đến quý 1/2024, tổng nguồn cung văn phòng toàn miền Bắc đạt 1.8 triệu m2 đến từ 121 dự án.
Xu hướng tân trang văn phòng hướng tới không gian làm việc chia sẻ và kết hợp vẫn tiếp tục phổ biến. Các ngành công nghệ, co-working, hậu cần, bảo hiểm và các dịch vụ chuyên nghiệp sẽ vẫn là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu chính đối với văn phòng cho thuê.
Bà Ngọc Lê, Giám đốc Cho Thuê Thương Mại Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo trong 10 năm tới thị trường phía Bắc sẽ có nguồn cung văn phòng dồi dào và phát triển dọc theo hành lang từ Hà Nội đến Hải Phòng. Ước tính đến năm 2033 sẽ có thêm 48 dự án văn phòng mới, đạt ít nhất 3.2 triệu m2, gấp đôi so với hiện tại.
"Điều này có thể tạo ra áp lực lên tỷ lệ hấp thụ và thúc đẩy giá thuê điều chỉnh giảm dần. Các chủ đầu tư dự án văn phòng sẽ cần có chiến lược tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường để thu hút khách thuê, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu ESG" - bà Ngọc Lê nhận định.
>>TP.HCM: Văn phòng cho thuê hạng A hút khách
Trong khi đó, với phân khúc cho thuê thương mại, tại các quận nội thành Hà Nội vẫn là khu vực quan trọng cho thị trường bán lẻ, đặc biệt là sau khi dự án Lotte Mall Tây Hồ gần đây ra mắt đã thu hút hơn 20 thương hiệu mới tại Việt Nam. Ít nhất 2 dự án bán lẻ khác cũng đã được quy hoạch tại khu vực này vào năm 2030.
Ngoài Hà Nội, các chủ đầu tư trong nước như Vincom Retail vẫn đi đầu trong việc phổ biến mô hình trung tâm thương mại sang các tỉnh khác, thông qua việc đi kèm với các dự án khu dân cư hoặc đô thị. Tổng nguồn cung trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ toàn miền Bắc Q1 2024 đạt 1.8 triệu m2 với 92 dự án tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Cơ cấu tiêu dùng của người dân dần chuyển từ chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu sang chi tiêu cho vào dịch vụ và giải trí trong những năm gần đây. Doanh số bán lẻ liên quan đến hòa nhạc, biểu diễn, giải trí, du lịch, thể thao và ăn uống đã tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này thúc đẩy một số chủ đầu tư nước ngoài mở rộng dấu chân vươn ra ngoài Hà Nội.
Một số dự án điển hình như AEON Hải Dương, AEON Hải Phòng Thủy Nguyên và GO! Hà Nam. Ước tính đến năm 2033 miền Bắc sẽ có thêm ít nhất 57 dự án bán lẻ mới, nâng tổng nguồn cung tối thiểu lên 2,8 triệu m2 phân bổ rộng khắp các tỉnh.
Có thể bạn quan tâm