Du lịch toàn cầu sẵn sàng phá kỷ lục, du lịch Việt Nam sẽ hưởng lợi

TRƯỜNG ĐẶNG 08/04/2024 04:30

Ngành du lịch toàn cầu dự kiến đạt giá trị kỷ lục 11,1 nghìn tỷ USD vào 2024, tăng 1,1 nghìn tỷ so với thời điểm trước Covid-19, theo báo cáo mới của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC).

Bỏ lại phía sau Covid-19, ngành du lịch thế giới sãn sàng bứt phá

Ngành du lịch thế giới sẵn sàng bứt phá sau đại dịch COVID-19

2024 sẽ là năm kỷ lục của ngành du lịch

Đối với ngành du lịch toàn cầu, cơn ác mộng Covid-19 dường như đang dần đi vào dĩ vãng. Năm 2024, ngành công nghiệp không khói dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 11,1 nghìn tỷ USD, vượt qua mức cao trước đó là 10 nghìn tỷ USD vào năm 2019 trước đại dịch.

>>Du lịch Việt Nam cần gì để tỏa sáng trên sân chơi quốc tế?

Theo báo cáo mới nhất của WTTC hợp tác với công ty tư vấn nghiên cứu Oxford Economics, trong một thập kỷ tới, du lịch toàn cầu còn đạt giá trị 16 nghìn tỷ USD và chiếm 11,4% tổng giá trị GDP toàn cầu.

Về mặt việc làm, cứ 10 người thì có 1 người làm các công việc liên quan đến du lịch tại thời điểm hiện tại. 10 năm nữa, con số này sẽ tăng lên khoảng 12,2% việc làm toàn cầu.

Mổ xẻ báo cáo của WTTC có một điểm đáng chú ý: Sự phục hồi kỷ lục của ngành du lịch vào năm 2023 đã diễn ra mà không cần có nhiều sự trợ giúp từ thị trường Trung Quốc và Mỹ, nơi lượng khách quốc tế tiếp tục tụt hậu đáng kể so với mức trước đại dịch. Bởi vậy, khả năng những thị trường này sớm phục hồi sẽ tạo điều kiện cho những con số kỷ lục trong năm nay.

Theo WTTC, giá trị ngành du lịch phụ thuộc vào ba loại giao dịch chính. Thứ nhất, chi tiêu trực tiếp cho việc đi lại, bao gồm tất cả các chi phí có liên quan rõ ràng nhất đến hoạt động lữ hành như khách sạn, chuyến tham quan và phương tiện đi lại, cộng với đầu tư công vào các loại dịch vụ này.

Thứ hai, chi tiêu du lịch gián tiếp - định lượng hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu từ các hoạt động du lịch. Trong số các loại chi phí thuộc loại này có khăn trải giường và khăn tắm mà khách sạn mua từ các nhà cung cấp địa phương hoặc mua số lượng lớn nguyên liệu cho bữa sáng tự chọn. Cuối cùng là chi tiêu phát sinh, nguyên nhân gây ra tác động xa hơn như công ăn việc làm mà nhân viên khách sạn có được sẽ giúp kích thích nền kinh tế địa phương.

Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WTTC, nói rằng ngành du lịch Mỹ là một ngoại lệ vì đồng USD đã mạnh lên, khiến các chuyến đi đến Hoa Kỳ giờ đây trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân các nước đang phải vật lộn với lạm phát. Chưa kể thị thực tới đây chưa bao giờ là vấn đề dễ dàng đối với người nước ngoài.

Điểm cũng đáng chú ý là thực tế có ngày càng nhiều tiền được chi cho du lịch nội địa hơn là quốc tế. Năm 2024, số tiền này dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 5,4 nghìn tỷ USD, tăng 10,3% so với mức của năm 2019. Trong khi chi tiêu quốc tế vẫn sẽ chậm hơn một chút so với con số của năm 2019, ở mức 1,9 nghìn tỷ USD, giảm 0,8%.

Nhìn chung, 142 trong số 185 quốc gia được khảo sát dự kiến sẽ vượt mức hiệu suất du lịch năm 2019 vào năm 2024 và gần như tất cả những quốc gia này cũng được kỳ vọng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm.

Bà Simpson cho biết: “Du lịch không chỉ quay trở lại, du lịch đang bùng nổ”. “Chúng ta đang nói về một lĩnh vực thực sự rất mạnh. Du lịch ở 75% quốc gia trên toàn thế giới dự kiến sẽ vượt con số năm 2019 trong năm 2014".

>>Du lịch Việt đón thời cơ mới

Kỳ vọng bức tranh du lịch Việt năm 2024

Triển vọng tươi sáng đó đang tiếp thêm sức sống cho ngành du lịch Việt Nam. Sau năm 2023 vượt chỉ tiêu về lượng khách quốc tế, Việt Nam đang hướng tới đón 18 triệu lượt khách – ngang bằng thời điểm trước đại dịch Covid – trong năm 2024.

Du lịch Việt Nam hứa hẹn cũng sẽ chứng kiến bức tranh tăng trưởng tốt

Du lịch Việt Nam hứa hẹn cũng sẽ chứng kiến bức tranh tăng trưởng tốt

Việc đặt ra mục tiêu cao hơn gấp đôi kế hoạch năm trước cho thấy tham vọng của Việt Nam trong việc bứt phá trong lĩnh vực du lịch. Cải thiện chất lượng dịch vụ hay mở rộng các chương trình visa đã tạo thêm sức hút tới những người tiêu dùng quốc tế đang ưa chuộng những điểm đến giàu văn hóa và có giá cả phải chăng như Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ nghỉ dưỡng truyền thống, ngày càng nhiều doanh nghiệp quảng bá những dịch vụ du lịch mới đáp ứng xu hướng của khách quốc tế như du lịch sinh thái, du lịch chữa lành, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch ẩm thực hay đánh golf… thu hút được sự quan tâm ngày càng lớn của người nước ngoài. Những sáng kiến này được các chiến lược truyền thông qua mạng xã hội đẩy mạnh và tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế.

Dù vẫn còn nhiều vấn đề còn phải giải quyết để cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia mạnh về du lịch như Thái Lan, Singapore hay Indonesia, nhưng với quyết tâm của mình, ngành du lịch Việt Nam sẵn sàng đóng một phần lớn hơn vào giá trị tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ USD so với mức đỉnh của 2019 mà báo cáo của WTTC vừa chỉ ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao du lịch châu Á chậm phục hồi?

    Vì sao du lịch châu Á chậm phục hồi?

    04:00, 07/04/2024

  • Du lịch mong chờ đề xuất lễ 30/4 được nghỉ 5 ngày

    Du lịch mong chờ đề xuất lễ 30/4 được nghỉ 5 ngày

    02:00, 07/04/2024

  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch đón lễ 30/4

    Bà Rịa - Vũng Tàu: Đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch đón lễ 30/4

    00:25, 07/04/2024

  • Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    Quảng Ninh: Đưa công nghệ số để phát triển du lịch thông minh

    21:36, 06/04/2024

  • Giá vé máy bay tăng, áp lực cho doanh nghiệp du lịch

    Giá vé máy bay tăng, áp lực cho doanh nghiệp du lịch

    02:00, 06/04/2024

TRƯỜNG ĐẶNG