Vì sao du lịch châu Á chậm phục hồi?

CẨM ANH 07/04/2024 04:00

Du lịch quốc tế đang trên đường phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng ở châu Á, điều này vẫn còn diễn biến chậm chạp.

>> Những thành phố nào ở châu Á đang đẩy mạnh "xanh hóa"?

Du lịch châu Á vẫn chậm phục hồi

Du lịch châu Á vẫn chậm phục hồi so với thời điểm trước đại dịch COVID-19

Theo Cơ quan theo dõi phục hồi du lịch của Liên hợp quốc UN Tourism, du lịch toàn cầu năm ngoái đã phục hồi ở mức 12% so với mức trước đại dịch và được dự báo sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm nay.

Phong vũ biểu Du lịch Thế giới báo cáo gần 1,3 tỷ khách du lịch vào năm ngoái, tăng 34% so với năm 2022. Doanh thu du lịch quốc tế ước tính 1,6 nghìn tỷ USD trong năm 2023, chỉ thấp hơn 5% so với năm 2019, sau khi ghi nhận sự sụt giảm vào năm 2020. Nhưng đằng sau những con số này là một bức tranh đa dạng hơn.

Lượng khách quốc tế đến châu Âu năm ngoái chỉ thấp hơn 6% so với mức đỉnh năm 2019, Pháp vẫn là điểm đến được ưa chuộng nhất thế giới. Do châu Âu chiếm 54% trong tổng số gần 1,29 triệu người trên toàn cầu, các chuyên gia trong ngành nhận định, sự phục hồi du lịch của châu Âu chưa phản ánh đúng thực tế.

Với châu Á, khu vực này chỉ đón 233 triệu khách du lịch quốc tế vào năm ngoái, vẫn thấp hơn 35% so với năm 2019. Số lượng khách du lịch đến Đông Bắc Á (bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) vẫn giảm 45% so với năm 2019 và đối với Đông Nam Á, giảm gần 30%.

Dự báo của UN Tourism cho khu vực này bao gồm một lưu ý quan trọng: Sự "hồi sinh" hoàn toàn của ngành du lịch trong năm nay phụ thuộc vào tốc độ phục hồi ở châu Á và những biến động của các thách thức kinh tế và địa chính trị hiện có. Cơ quan này nói thêm rằng khách du lịch dự kiến sẽ ngày càng ưu tiên lựa chọn du lịch nội địa hoặc di chuyển gần trước tình trạng giá cả tăng cao và những thách thức kinh tế chung.

>> Châu Á cần chuyển đổi xanh để tăng lợi thế cạnh tranh

Khách du lịch

Khách du lịch đang cân nhắc các địa điểm hấp dẫn mới như khu vực vùng Vịnh thay vì các điểm đến truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản

Và khi lựa chọn các điểm đến châu Á, khách du lịch đang đặc biệt xem xét Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị. Theo Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc, lượng khách quốc tế đã tăng gấp 7 lần từ năm 2022 lên 35,5 triệu vào năm ngoái, sau khi các hạn chế đại dịch được dỡ bỏ, nhưng vẫn chỉ bằng 1/3 lượng khách so với năm 2019.

Cơ quan theo dõi phục hồi du lịch của Liên Hợp quốc cũng đặc biệt chú ý đến lượng khách du lịch Trung Quốc- yếu tố chính thúc đẩy sự phục hồi du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài cũng cho thấy sự tăng trưởng chậm do những hạn chế như các chuyến bay quốc tế chậm được khôi phục. Theo nhà cung cấp dữ liệu chuyến bay OAG, các hãng hàng không Trung Quốc ngày nay chỉ phục vụ 85 điểm đến ở châu Á và 56 điểm đến ở các khu vực khác, giảm mạnh so với con số 119 điểm đến ở châu Á và 77 điểm đến ở khu vực khác trong năm 2019.

Bên cạnh đó, chỉ 14% người Trung Quốc trưởng thành có hộ chiếu hợp lệ, tỷ lệ này ít hơn nhiều so với 56% ở Hoa Kỳ và 84% ở Vương quốc Anh.

Theo một báo cáo gần đây của EIU, người dân Trung Quốc đại lục đã thực hiện 101 triệu “chuyến đi xuyên biên giới” vào năm ngoái, giảm so với 168 triệu vào năm 2019. Trong số 101 triệu chuyến bay này, có 77 triệu chuyến bay đến Hồng Kông, Ma Cao hoặc Đài Loan; chỉ có 23,9 triệu chuyến bay sang các điểm đến xa hơn.

Ông David Dodwell, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chính sách thương mại và quan hệ quốc tế Strategic Access, việc khách du lịch Trung Quốc có thể tái lập vị thế là nhóm chi tiêu hàng đầu lớn nhất thế giới nhanh đến mức nào phụ thuộc vào một số yếu tố.

Theo chuyên gia này phân tích, kế hoạch chi tiêu của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm mạnh do đại dịch và sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã khiến việc di chuyển quốc tế trở nên đắt đỏ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc tăng cao cũng khiến nhiều người trẻ không thể đi du lịch quốc tế. Mặc dù chính phủ đã tạo điều kiện để việc xin thị thực trở nên dễ dàng hơn và miễn thị thực cho các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia và nhiều điểm đến ở vùng Vịnh, nhưng tình hình ít cải thiện.

Bất chấp những thách thức, tiềm năng du khách Trung Quốc đại lục trở lại thị trường du lịch thế giới vẫn còn rất lớn. Trong dịp Lễ hội mùa xuân, công ty du lịch trực tuyến Qunar của Trung Quốc cho biết lượng đặt phòng đến UAE, Ai Cập và Maroc cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó Dubai tăng gấp 10 lần. Qunar cũng báo cáo rằng lượng đặt chỗ tới Singapore đã tăng gấp 29 lần và tới Malaysia tăng gấp 20 lần. Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập và Maroc đều lọt vào danh sách 20 điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu của nền tảng xã hội du lịch Trung Quốc Mafengwo trong dịp lễ hội. 

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Á sẽ tái định hình quản trị y tế toàn cầu?

    Châu Á sẽ tái định hình quản trị y tế toàn cầu?

    03:30, 02/04/2024

  • Những thành phố nào ở châu Á đang đẩy mạnh

    Những thành phố nào ở châu Á đang đẩy mạnh "xanh hóa"?

    03:00, 29/03/2024

  • "Bức tranh" đa sắc thị trường bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương

    11:11, 30/03/2024

  • Lừa đảo đầu tư tiền điện tử ở châu Á tăng vọt

    Lừa đảo đầu tư tiền điện tử ở châu Á tăng vọt

    04:54, 24/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao du lịch châu Á chậm phục hồi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO