Nhiều quốc gia tại châu Á đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu khí nhà kính từ các thành phố lớn.
>> Châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu phát triển bền vững?
Trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, các thành phố đang cảm nhận được sức nặng của quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Hơn một nửa dân số toàn cầu hiện đang sống ở các thành phố, với 54% trong số này sinh sống ở khu vực châu Á.
Khu vực này vốn là nơi tập trung hầu hết các siêu đô thị trên thế giới với hơn 10 triệu dân và mỗi năm lại có thêm nhiều siêu đô thị gia nhập danh sách này. Đến năm 2050, dân số đô thị ở châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi, tương ứng với việc có thêm 1,2 tỷ người di cư đến các thành phố trong khu vực.
Nhưng khi mọi người đổ xô đến các thành phố để tìm kiếm những cơ hội lớn hơn, áp lực đặt lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng hiện có của khu vực đô thị đã trở thành một thách thức lớn. Nhiều người hơn cũng thường dẫn đến các vấn đề như tội phạm gia tăng, tắc nghẽn giao thông và tình trạng vô gia cư, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra còn có tác động to lớn mà các thành phố này gây ra đối với môi trường và biến đổi khí hậu, cho dù điều này là do nhu cầu ngày càng tăng về điện, nước và quản lý chất thải hay mức độ ô nhiễm ngày càng tăng từ các phương tiện giao thông vận tải và hoạt động công nghiệp.
Nghiên cứu từ UN Habitat ước tính rằng mặc dù các thành phố chỉ chiếm chưa đến 3% bề mặt Trái đất nhưng khu vực này tiêu thụ 78% năng lượng của thế giới và tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính.
Các chuyên gia nhận định, việc trang bị thêm cơ sở hạ tầng hiện có trên khắp các khu đô thị rộng lớn để phát triển bền vững hơn trong hầu hết các trường hợp sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các siêu đô thị có thể bắt đầu bằng cách tạo điều kiện cho một cách tiếp cận tiến bộ hơn trong quy hoạch tổng thể đô thị. Điều này không chỉ làm tăng nguồn cung nhà ở mà còn thúc đẩy sự bền vững bằng cách tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng xã hội và bảo vệ môi trường.
>> Châu Á cần chuyển đổi xanh để tăng lợi thế cạnh tranh
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang đi đầu trong sự thay đổi trọng tâm này. Trên khắp khu vực, việc phát triển đô thị mới bền vững đang trở thành tiêu chuẩn. Chính quyền một số quốc gia và địa phương trong khu vực đang xem xét mô hình "thành phố trong thành phố" để phục vụ dân số đô thị ngày càng tăng theo cách công bằng, toàn diện, kiên cường và bền vững, đồng thời nâng cao mức sống, kết nối cộng đồng, và bảo vệ môi trường.
Tập đoàn Sunway đã thiết lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống bền vững với việc xây dựng Sunway City Kuala Lumpur (SCKL) ở Malaysia. Là thành phố xanh tích hợp đầu tiên của đất nước, SCKL đã đặt ra chuẩn mực cho Malaysia và đi tiên phong trong cách tiếp cận phát thải carbon thấp trong quy hoạch thành phố. Bên cạnh đó, nơi đây cũng hướng tới việc cung cấp các giải pháp kết nối cho người dân trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí và các dịch vụ quan trọng khác.
Mặc dù tính bền vững không chỉ đơn thuần là bảo vệ môi trường, nhưng GS. Heng Chye Kiang, Hiệu trưởng Trường Thiết kế và Môi trường, Đại học Quốc gia Singapore chỉ ra rằng một trong những thách thức lớn nhất mà các thành phố châu Á phải đối mặt là mối đe dọa đang diễn ra của biến đổi khí hậu. Về mặt này, các thị trấn bền vững sẽ có vai trò to lớn trong việc giúp giảm thiểu một số tác động nghiêm trọng nhất.
Theo báo cáo năm 2021, châu Á là nơi có 99/100 thành phố trên toàn cầu phải đối mặt với rủi ro môi trường cao nhất, trong đó thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách do mực nước biển dâng cao, sụt lún đất và ô nhiễm không khí.
Chuyên gia này cho biết, các thị trấn xanh có thể thúc đẩy những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, một trong những phương pháp hiệu quả nhất là khai thác các phương pháp sử dụng hệ thống và quy trình tự nhiên. Ví dụ, tại Thiên Tân, một trong những thành phố đang phải đối phó với nguy cơ mực nước biển dâng cao, đã tạo ra một "thung lũng sinh thái", cắt ngang thành phố, có làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ và giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nhờ đó mật độ dày đặc của các tòa nhà, vỉa hè và các bề mặt khác hấp thụ và giữ nhiệt ở mức cao hơn các khu vực khác.
Có thể bạn quan tâm