Các tổ chức lừa đảo trực tuyến đang nở rộ tại khu vực châu Á, và ngày càng có nhiều nhà đầu tư rơi vào bẫy làm giàu nhanh chóng trong bối cảnh giá tiền điện tử tăng cao.
>>Quy định bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường tiền điện tử
Theo SCMP đưa tin, khu vực châu Á đang phải đối mặt với một chu kỳ tội phạm mới xoay quanh các vụ lừa đảo trực tuyến, thu hút vô số nạn nhân với thiệt hại tiếp tục lên tới hàng tỷ USD.
Những mạng lưới này đã sinh sôi nảy nở ở một số nước như Myanmar, Campuchia, Philippines..., nhắm mục tiêu vào các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, những người rơi vào bẫy làm giàu nhanh chóng. Đặc biệt là trong lĩnh vực tiền điện tử khi gần đây, Bitcoin (BTC) - đồng tiền kỹ thuật số nổi tiếng nhất thế giới đã tăng vọt về thị giá, làm dấy lên mối lo ngại rằng nhiều người có thể bị lôi kéo vào các trang web do những kẻ lừa đảo tạo ra.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục trên 73.000 USD/BTC vào tuần trước, giá Bitcoin đã giảm đáng kể xuống còn 64.500 USD vào tối ngày 23/3, những vẫn cao hơn gấp đôi so với mốc 28.000 USD một năm trước.
Một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng lý giải, khi một thế hệ nhà đầu tư mới cổ vũ sự hồi sinh của Bitcoin, thì nhiều người trong số họ đều có thể trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo, do các mạng lưới tội phạm đang phát triển nhằm chiêu mộ thêm nhiều “tân binh” để đi lừa đảo những nhà đầu tư non trẻ. Ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô này thường nhắm vào những cá nhân bị lừa đến làm việc tại các trung tâm lừa đảo lớn, nơi mà thông qua bạo lực và đe dọa, họ buộc phải lừa gạt nhiều người khác.
Chỉ riêng ở Singapore, các nạn nhân bị lừa đảo đã mất 651 triệu đô la Singapore (486 triệu USD) vào năm 2023, đây có thể là một con số chưa đầy đủ vì nhiều vụ việc mà nạn nhân không báo cáo do sợ bị kỳ thị.
Phái đoàn Công lý Quốc tế (IJM) - một tổ chức chống buôn người cho biết, các tổ chức tội phạm thường sử dụng nền tảng truyền thông xã hội để quảng cáo những công việc được cho là “việc nhẹ lương cao”, dễ kiếm tiền. Khi nạn nhân cắn câu và đến địa điểm do bọn buôn người sắp xếp, hộ chiếu và điện thoại di động của họ sẽ bị tịch thu để phòng chống việc bỏ trốn hoặc kêu cứu.
Bà Jackie Burns Koven, người đứng đầu Cyber Threat Intelligence tại Chainalysis, một công ty phân tích về blockchain cũng chia sẻ, những kẻ lừa đảo thường nhắm mục tiêu vào các nạn nhân thông qua một nền tảng giao dịch tiền điện tử giả mạo. “Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, các bố cục các trang web này thường khá phức tạp, thông tin không minh bạch, nơi các cá nhân gửi tiền vào sẽ thấy khoản đầu tư của họ mang lại lợi nhuận tuyệt vời mỗi khi đăng nhập. Nhưng tất cả chỉ là giả và tiền sẽ đi thẳng vào ví của kẻ lừa đảo. Khi người dùng muốn rút tiền, họ sẽ được yêu cầu trả các khoản phí cao và hầu như không thể rút tiền về”.
Theo bà Koven, những kẻ lừa đảo thường khai thác lỗ hổng cảm xúc của nạn nhân để có quyền truy cập vào thông tin đăng nhập của nhà đầu tư thông qua mạng và khoá bảo mật đã bị xâm phạm. Tuy nhiên, vì các loại tiền điện tử như Bitcoin chạy trên nền tảng công nghệ blockchain - một mạng lưới kỹ thuật số minh bạch nên các hành vi gian lận có thể bị phát hiện, buộc chúng phải chuyển sang các nền tảng khác.
>>Quy định về tiền điện tử sẽ tiếp tục được xây dựng vào năm 2024
Trong năm qua, Singapore và Hồng Kông đã công bố các quy định mới để bảo vệ khoản đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Các chiến dịch nâng cao nhận thức rất quan trọng để cảnh báo người tiêu dùng về những trò gian lận. Nhưng các cơ quan quản lý cũng nên nâng cao hoạt động của mình, đề phòng những kẻ lừa đảo và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi cách mới mà họ có thể nghĩ ra để thu hút những nạn nhân nhẹ dạ cả tin.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái tiền kỹ thuật số, các cơ quan quản lý phải coi các chiến dịch này là ưu tiên hàng đầu để chống lại các mạng lưới lừa đảo có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Á.
Tại Việt Nam, theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số, mua-bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Việt Nam hiện có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam có thể chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Cá biệt, có nạn nhân bị lừa nhiều nhất tới 57 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phú Lương - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin - khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 22/03/2024
11:00, 07/03/2024
05:05, 01/03/2024
03:44, 15/02/2024