Sắp vào mùa cao điểm, giá vé máy bay tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp du lịch gặp áp lực khi lựa chọn của du khách đã có nhiều thay đổi.
Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.
Du lịch nước ngoài rẻ hơn trong nước?
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải trước đó, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. Việc tăng giá trần vé máy bay trong giai đoạn hiện nay có thể xem là giải pháp để các hãng bay để bù đắp chi phí, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, từ đây cũng hình thành một áp lực mới cho cộng đồng du lịch. Bởi lẽ, giá vé máy bay tăng đúng dịp trước thềm cao điểm du lịch 30/4 – 1/5 và mùa hè sắp tới. Hiện nay, các doanh nghiệp như đang “ngồi trên đống lửa” bởi việc tăng giá vé máy bay sẽ có tác động rất lớn tới ngành du lịch đang trong giai đoạn phục hồi.
Theo ghi nhận, hiện nay mức các tuyến Đà Nẵng – Hà Nội, TP. HCM – Hà Nội,... đã có sự điều chỉnh về giá và mức chênh lệch so với giá cũ trên 1.000.000 đồng, việc giá vé máy bay tăng cao đã khiến chi phí du lịch tăng theo khiến nhiều người quan ngại. So với chi phí, hiện nay các tour du lịch trong nước phần lớn ở mức giá từ 7.000.000 – 10.000.000 đồng/chuyến và các tour đi nước ngoài như Thái Lan, Malaysia, Singapore,... cũng tương tự.
Từ đó nhiều khách du lịch đã so sánh, thay đổi lịch trình từ nội địa sang đi quốc tế để tìm kiếm những trải nghiệm mới. Việc này sẽ tác động trực tiếp vào các điểm đến, các địa phương đang nỗ lực kích cầu du lịch khi các mục tiêu đề ra gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Hữu Thảo – Nhà sáng lập ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch toàn diện One Local nhìn nhận tại thị trường khách nội địa, với tình hình vé máy bay chưa “hạ nhiệt” thì lượng khách này sẽ có ưu tiên hơn trong việc lựa chọn các chuyến du lịch nước ngoài sẽ cao hơn. Theo đánh giá của vị này, sắp tới số lượng khách du lịch nội địa sẽ khá ảm đạm mặc dù các địa phương kích cầu, giá khách sạn, resort, phương tiện đi lại giữ nguyên,...
“Với câu chuyện giá vé máy bay không giảm thì sẽ rất khó để gia tăng lượng khách. Thực tế, hiện nay 1 tour du lịch trong nước và 1 tour đi du lịch nước ngoài cũng đã ngang bằng giá với nhau, thậm chí một số tour đi nước ngoài còn rẻ hơn so với đi du lịch trong nước. Đây là một bài toán rất khó cho các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới”, ông Thảo nói.
Vô tình mất khách
Ông Nguyễn Hữu Duy Vũ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ du lịch Non Nước Việt cho rằng việc tăng giá vé vào mùa cao điểm đã xuất hiện từ năm 2023 và bắt đầu từ năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, doanh số và việc khai thác khách hàng của doanh nghiệp. Theo ông Vũ, về chi phí vé máy bay tăng, đơn cử như một vé phổ thông khứ hồi cho chặng Đà Nẵng - Hà Nội - Đà Nẵng tầm 2.200.000 đồng thì hiện nay đã tăng hơn 1.000.000 đồng.
“Việc giá vé máy bay tăng hơn 1 triệu đồng đó vô tình đẩy giá tour của doanh nghiệp lên cao từ đó rất khó để chốt kế hoạch với đoàn du khách. Cập nhật ngay trong những ngày qua thì một vé đi Hà Nội đã gần 4.000.000 đồng, so với giờ năm 2023 cao hơn 1.500.000 đồng. Cứ thử hình dung 1 vé cho một cá nhân bị “đẩy” lên 1.000.000 đồng, chốt đoàn tầm bình quân 20 người thì đoàn đã mất 30.000.000 dẫn đến sự lựa chọ tour sẽ có thay đổi, trong đó đó du khách sẽ đưa ra phương án là vẫn giữ tour hay tổ chức hoạt động tham quan nhưng với một chi phí thấp hơn”, ông Vũ lấy ví dụ.
Tại chương trình kích cầu du lịch tại Đà Nẵng mới diễn ra, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thông tin, năm 2018 có trên 10.000.000 người Việt Nam ra nước ngoài và năm 2023 có là trên 5.000.000 người. Theo ông Siêu, các con số trên đã khiến ngành du lịch suy ngẫm rằng những điểm đến của Việt Nam hiện nay cạnh tranh thế nào với xu hướng du lịch của người Việt Nam.
“Rõ ràng ở đâu có điểm đến hấp dẫn, có sản phẩm mới lạ và đặc biệt là có giá cả cạnh tranh thì sẽ có khách. Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp nên xem xét lại yếu tố tạo nên sức cạnh tranh mạnh hơn, đó chính là sự liên kết. Các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau nhằm tạo ra sản phẩm thu hút du khách, để người Việt Nam sẽ không cần phải đi đâu xa mà vẫn tìm thấy giá trị đặc sắc, những trải nghiệm trên mọi miền Tổ quốc”, ông Siêu đề nghị.
Theo các chuyên gia, hàng không là “xương sống” cho các sản phẩm du lịch nội địa và sự thay đổi của giá vé sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch bởi giá vé máy bay chiếm ngân sách lớn trong tổng giá tour. Cùng với đó, việc các hãng hàng không ồ ạt cắt, giảm hầu hết các đường bay ngách, đường bay lẻ cũng đã tạo ra thách thức rất lớn cho thị trường du lịch nội địa. Từ đó, mục tiêu thị trường nội địa năm nay của ngành du lịch được đánh giá sẽ gặp nhiều trở ngại.
Có thể bạn quan tâm