Thúc đẩy thương mại biên giới: Cần xây dựng chính sách đột phá
Trước những hạn chế, vướng mắc, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế hoạt động thương mại qua biên giới của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng chính sách ưu tiên, đột phá.
>> Quảng Ninh: Tạo cú hích cho phát triển thương mại biên giới
Thực tế cho thấy, thương mại biên giới của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, bởi tuyến biên giới đất liền (tiếp giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia) với hệ thống các cửa khẩu, đường giao thông, các hành lang kinh tế xuyên quốc gia, các khu hợp tác kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do và khu bảo thuế đã và đang được xây dựng, nâng cấp.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương với 3 thị trường; kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 đạt 8,44 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu song phương với 3 thị trường.
Mặc dù quy mô trao đổi hàng hóa qua tất cả các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền đã đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên hoạt động này của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc.
Cụ thể, hệ thống logistics của thương mại biên giới với Trung Quốc vẫn còn một số khó khăn. Việc chưa có trung tâm logictics với đầy đủ các chức năng cơ bản dẫn đến chi phí dịch vụ logictics còn cao, tính liên kết giữa các vùng, các doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.
>>Quảng Ninh: Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng để tăng sức cạnh tranh cảng biển
Không những thế, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu là nông sản, trái cây với số lượng chủng loại rất hạn chế. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chưa được ký Nghị định thư về kiểm dịch nên phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan.
Đối với tuyến biên giới giáp Lào, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới…
Còn với tuyến biên giới giáp Campuchia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có cơ cấu tương đồng với hàng hóa của Thái Lan, Trung Quốc và chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, mẫu mã và giá cả.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới đều không ưu tiên lựa chọn hình thức xuất nhập khẩu chính ngạch (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...).
Trước những khó khăn đã nêu, để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu, mua bán trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên toàn tuyến biên giới đất liền, bà Nguyễn Thị Mai Linh, Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu, vào hoạt động sản xuất, chế biến, thương mại tại khu vực biên giới.
“Tiếp đến, tập trung thu hút đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo quy hoạch tạo thành mạng lưới đường sắt kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc) để nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều qua các cửa khẩu, nhằm đa dạng hóa phương thức vận chuyển là đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt, giảm chi phí logistics”, đại điện Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.
Đặc biệt, cần có phương án hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang hình thức chính ngạch.
Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý cửa khẩu, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm thống nhất với các nước công nhận kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng các nước nhằm rút ngắn thời gian thông quan.
Về phía lực lượng hải quan, cần tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý xuất nhập khẩu hải quan, cán bộ chuyên môn để hạn chế tối đa các ách tắc, tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu
“Ngoài ra, các địa phương nên có các trung tâm thương mại xứng tầm để các doanh nghiệp được thường xuyên trưng bày giới thiệu hàng hóa, kết nối các điểm du lịch, người dân đến tham quan, đặt hàng, lan tỏa mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu”, bà Trần Thị Bích Ngọc nhận định.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, để tháo gỡ những hạn chế về mặt hàng xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ phải chủ động vùng nguyên liệu và đơn hàng, tránh sản xuất ồ ạt. Còn đối với một số mặt hàng đã có nghị định thư, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp, hợp tác xã cần có sự chuẩn bị kỹ đối tác, thông tin nhu cầu thị trường, chủ động đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng; cải tiến chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cùng với đó, cần tập trung đầu tư khâu sơ chế, bảo quản, phát triển chế biến nhằm gia tăng giá trị, đa dạng các sản phẩm, trước mắt chú trọng hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản tại các Cụm liên kết logistics nông sản dọc hành lang biên giới và các vùng trọng điểm.
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Nâng cao năng lực cạnh tranh khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
00:10, 16/04/2024
HPA xúc tiến thương mại gắn kết du lịch, quảng bá văn hoá địa phương
14:20, 11/04/2024
Xung đột thương mại: Xe điện vào “tầm ngắm”
04:00, 10/04/2024
Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu
03:30, 07/04/2024
Mở rộng loại đất làm nhà thương mại: Phát sinh cơ chế xin - cho?
14:00, 06/04/2024