Hải Dương: Nhiều giải pháp đưa Chỉ số cải cách hành chính tăng
Thời gian qua, các sở, ban, ngành Hải Dương đã đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh.
>>>Hải Dương: Gấp rút chuẩn bị nhiều dự án đầu tư công
Từ quyết tâm...
Theo lãnh đạo huyện Thanh Miện (Hải Dương): Nhờ cách làm hay cùng sự quan tâm đầu tư nên 3 năm qua xã Chi Lăng Bắc luôn dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính của huyện.
Theo ông Đoàn Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Chi Lăng: Để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính xã đã yêu cầu các cán bộ chủ chốt đều phải làm việc này và gắn trách nhiệm cho từng cán bộ. Mỗi ngày sẽ có 2 cán bộ chủ chốt túc trực tại bộ phận "một cửa" tham gia hỗ trợ người dân.
Xã cũng không lồng ghép cuộc họp chuyên đề về cải cách hành chính vào các cuộc họp khác mà tổ chức riêng. Cách làm này sẽ giúp lãnh đạo xã tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ đó rút ra kinh nghiệm và có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.
Ông Nguyễn Văn Thuận - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã cho biết: "Trong chấm điểm chỉ số chỉ cải cách hành chính thì điểm điều tra xã hội học chiếm 30% tổng điểm. Do đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước trong giải quyết hồ sơ. Nhờ đó mà những năm qua, Chi Lăng Bắc luôn duy trì thứ hạng cao về chỉ sổ cải cách hành chính của huyện".
Theo chị Nguyễn Thi Thu Thảo – Hộ kinh doanh tại xã chia sẻ: Thời gian qua, bộ phận hành chính một cửa tại xã đều giải quyết rất nhanh chóng. Đặc biệt nhiều thủ tục, hồ sơ đều được cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện nhanh chóng.
Để giữ vững vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp huyện, xã Chi Lăng Bắc đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo ra đột phá mới trong năm 2024. Địa phương này phấn đấu những năm tiếp theo chỉ số tổng hợp trong cải cách hành chính sẽ đạt trên 90% để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã dành nhiều thời gian để chỉ ra những hạn chế năm 2023, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, chỉ số cải cách hành chính năm 2024.
Để khắc phục những hạn chế dẫn đến bị trừ điểm, điểm thấp của chỉ số thành phần cải cách hành chính năm 2023, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính. Lựa chọn đăng ký thực hiện công việc đột phá nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của huyện. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung cải cách hành chính. Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nhiệm vụ cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng gây khó khăn khi giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp, công dân...
Ông Nguyễn Minh Hiếu – Công ty hợp danh vận tải Minh Hiếu chia sẻ: Tôi rất hài lòng mỗi khi đến các công sở để giải quyết thủ tục hành chính bởi thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại đây rất niềm nở, lịch sự và thân thiện. Tất cả những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục, hồ sơ đều được cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn thực hiện nhanh chóng
Năm 2023, huyện Thanh Hà đứng thứ 10 (85,34 điểm) trong tỉnh về cải cách hành chính, tăng 2 bậc so với năm 2022. Địa phương đã chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế do một số cơ quan bố trí công chức làm nhiệm vụ cải cách hành chính chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tham mưu chưa kịp thời, đầy đủ. Kinh phí, trang thiết bị làm việc, cơ sở vật chất… phục vụ cho công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai các giải pháp, sáng kiến có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này...
...đến kết quả
Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với 87,84 điểm, PAR Index năm 2023 của Hải Dương đứng thứ 22 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 25 bậc so với năm 2022 (năm 2022 Hải Dương đạt 83,52 điểm, đứng thứ 47 cả nước). SIPAS năm 2023 của tỉnh Hải Dương đứng thứ 3 trong cả nước với 90,23%, tăng 9 bậc so với năm 2022.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, năm 2023 PAR Index của các bộ, ngành và UBND các địa phương đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86,98%, cao hơn 2,19% so với năm 2022. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Chỉ số cải cách hành chính của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.
Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, doanh nghiệp và người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 ở mức 82,66%, tăng trên 2,6% so với năm 2022. Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03%-90,61%.
Mới đây, tại hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2023, ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khích lệ những kết quả đạt được. Trong đó, nhấn mạnh một trong những hạn chế chủ quan về cải cách hành chính là còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai nhiệm vụ, dám đứng ra và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Thắng thẳng thắn đánh giá một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chưa cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Mục đích quan trọng của thực hiện cải cách hành chính là phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đánh giá chỉ số cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở xác định thứ hạng giữa các sở, ban, ngành, địa phương mà cần nhân rộng những cách làm hiệu quả; phân tích để xác định, khắc phục những nguyên nhân chủ quan; kiên quyết khắc phục những hạn chế kéo dài. Trong cùng những điều kiện tương đồng mà có những đơn vị, địa phương để hạn chế, yếu kém kéo dài thì cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu...
Đặc biệt, với phương châm của Hải Dương là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, việc các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực sự chú trọng, lắng nghe người dân, doanh nghiệp để có những giải pháp cải cách hành chính thiết thực, phát huy hiệu quả trong thực tế là rất cần thiết.
Có thể bạn quan tâm