Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ số mang tới cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực thi các sáng kiến đổi mới của doanh nghiệp.
>>Thúc đẩy du lịch thông minh, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt
Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất và đồng bộ từ đó đem đến những giá trị tích cực cho cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy các xu hướng mới
Nghị quyết 82 của Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Chỉ thị 08 của Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai chuyển đổi số du lịch đồng bộ với nội dung chuyển đổi số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.
Trước bối cảnh hoạt động du lịch nội địa gặp nhiều thách thức, việc triển khai chuyển đổi số đồng bộ và thống nhất sẽ giúp các địa phương, doanh nghiệp trong ngành du lịch tiết kiệm nguồn lực, tận dụng hệ sinh thái dùng chung, hình thành cơ sở dữ liệu lớn, tăng cường kết nối liên thông, phát triển theo hướng bền vững hơn. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô và nguồn lực hạn chế.
Đặc biệt, việc hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất cũng sẽ góp phần thúc đẩy các xu hướng mới như chuyển đổi xanh trong du lịch, du lịch "net zero" không gây tổn hại đến môi trường. Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Chuyển đổi số có thể tạo động lực mạnh mẽ để ngành du lịch chuyển đổi xanh, góp phần vào thực hiện cam kết của Việt Nam về Net Zero.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vừa qua là tác nhân đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số hơn bao giờ hết. Với sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, nhận thức và hành động về chuyển đổi số ở các cấp, ngành và toàn xã hội đã chuyển biến rất tích cực.
Thống nhất các nền tảng trong hệ sinh thái thông minh
Đối với ngành du lịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung xây dựng các nền tảng số dùng chung trong ngành nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ. Các nền tảng đó gồm có: Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Hệ thống thông tin điều hành du lịch; Hệ thống báo cáo thống kê du lịch từ Trung ương đến cơ sở; Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Thẻ Việt - Thẻ du lịch quốc gia; Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”; Hệ thống thuyết minh đa phương tiện; các website du lịch quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá du lịch... Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số du lịch và tổ chức các lớp tập huấn tại nhiều địa phương trên cả nước.
Các nền tảng số, công cụ số đều đã sẵn sàng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới tập trung nghiên cứu, áp dụng các nền tảng số dùng chung để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quảng bá, kinh doanh du lịch và hỗ trợ du khách. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa, tích hợp thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để hình thành cơ sở dữ liệu lớn ngành du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với doanh nghiệp, tôi tin rằng, việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ số mang tới cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các sáng kiến đổi mới. Do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt, hiểu rõ về chuyển đổi số trong mô hình của mình để ứng dụng linh hoạt.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị trong ngành du lịch để thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần đưa Du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn. Vì vậy, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp du lịch giải quyết bài toán này và hướng tới mô hình quản trị hiệu quả; kết nối với các hệ sinh thái liên quan như vận tải, lưu trú, thương mại. Trên thực tế, nhờ áp dụng công nghệ, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch thông minh
12:17, 02/12/2023
Quảng Nam thúc đẩy du lịch thông minh
02:00, 19/10/2023
Hệ sinh thái du lịch thông minh là lựa chọn sống còn
17:47, 07/09/2023
Chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh
09:50, 03/04/2023
Phát triển du lịch thông minh là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới
03:00, 12/12/2022