Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng Chuyển đổi Số là một lựa chọn sống còn cho ngành du lịch sau khi thế giới trải qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
>>Du lịch phải là ngành tiên phong chuyển đổi số
Chia sẻ về lợi ích khi chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành du lịch là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số khi đưa việc đặt vé máy bay và khách sạn lên trực tuyến. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi của khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi, hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
"Đại dịch COVID-19 vừa qua cũng đã khiến ngành du lịch phải thay đổi và có giải pháp ứng phó linh hoạt hơn. Nhờ việc chuyển đổi số trong mùa dịch mà nhiều hoạt động quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp du lịch đã gặt hái được một số thành tựu trong việc tổ chức tour du lịch, đặt tour, đặt khách sạn, đặt dịch vụ... Một số doanh nghiệp du lịch cũng đã chuyển đổi số thành công sang mô hình hoạt động trực tuyến, phù hợp với mọi hoàn cảnh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay và thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, từ 10 - 25%. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thuộc nhóm này. Nguyên nhân là do ngành du lịch đã chuyển đổi số được một số kết quả tích cực. Đây cũng chính là cơ hội để ngành du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các điểm đến đặc sắc đến với bạn bè quốc tế nhiều hơn.
Còn theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam, chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn cho ngành du lịch sau khi thế giới trải qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn.
“Rõ ràng ngành du lịch cần có giải pháp ứng phó linh hoạt và bền vững hơn trong tương lai. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng đã lựa chọn chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 là Du lịch và Đầu tư xanh (Tourism and Green Investments). Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng,” Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.
Ông Khánh cho biết với vai trò là cơ quan quản lý ở Trung ương, trong thời gian đại dịch bùng phát, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (khi đó là Tổng cục Du lịch Việt Nam) đã xây dựng Bản đồ Số du lịch an toàn, ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn, hệ thống đăng ký an toàn COVID-19 và nhiều giải pháp công nghệ khác nhằm giúp ngành du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh…
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã chủ động hợp tác với các đối tác ở trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá. Năm 2021, Cục đã phối hợp với Google ra mắt dự án Google Arts & Culture: Kỳ quan Việt Nam. Đây giống là bảo tàng số lưu giữ và quảng bá các giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, du lịch trên toàn cầu.
Cùng với đó là nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Việt Nam trên các website, mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber...
Tuy nhiên, nhằm tạo thế cạnh tranh trong bối cảnh mới, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết toàn ngành sẽ phải tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.
Theo đó, nền kinh tế xanh Việt Nam sẽ vận hành bám sát phương châm “doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực.”
Có thể bạn quan tâm
17:39, 07/09/2023
07:31, 01/09/2023
01:30, 16/07/2023
12:42, 07/09/2023