Tăng cơ hội phát huy lợi thế phát triển nhân lực bán dẫn
Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn được triển khai sớm, Việt Nam sẽ tăng thêm cơ hội phát huy lợi thế phát triển.
>>>Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá
Phát biểu tại hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì được tổ chức chiều 24/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được xây dựng vào thời điểm này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Việt Nam cũng là quốc gia có bước đi nhanh hơn, bài bản hơn so với các quốc gia đang phát triển trong khu vực với việc đưa nội dung phát triển nguồn nhân lực thành một đề án tổng thể để thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
Phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn
Là ngành công nghiệp quan trọng và đang được nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế quan tâm, năm 2023, doanh thu ngành bán dẫn đạt 600 tỷ USD và dự báo có thể đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên. Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian là vấn đề cốt yếu để nắm bắt cơ hội đó. Chính phủ Việt Nam cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào hiện tại.
Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguồn nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được xây dựng vào thời điểm này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng càng sớm đưa Đề án vào triển khai sẽ càng tăng cơ hội phát huy được lợi thế phát triển.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo
Để thực hiện được mục tiêu của Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Ở giải pháp đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau đại học; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp.
Tiếp đó, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển; đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo; thu hút chuyên gia, nhân tài; tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động triển khai trước một số giải pháp như giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đẩy mạnh hợp tác với các đối tác là viện đào tạo, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; các chuyên gia người Việt Nam tại Sillicon Valley… để triển khai các chương trình đào tạo bán dẫn, trí tuệ nhân tạo cho giảng viên, sinh viên; xây dựng và phát triển các trung tâm đào tạo thiết kế chip, trí tuệ nhân tạo.
Với quan điểm: Việt Nam không thể đi đến đích nếu chỉ đi một mình, ở giai đoạn và thời cơ quan trọng này, cần có sự hợp tác nhanh, mạnh và toàn diện với các quốc gia, nền kinh tế và các doanh nghiệp, đối tác… Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện Đề án. Cùng với đó, đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước, tăng cường hợp tác PPP để hỗ trợ triển khai, nhất là các hạng mục như trung tâm bán dẫn dùng chung, chương trình thực hành với các trường đại học, các địa phương…
Có thể bạn quan tâm
Phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn: Phải có cơ chế đột phá
03:50, 24/04/2024
Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn: Cần cơ chế, chính sách đột phá
03:30, 20/04/2024
Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp bán dẫn?
02:30, 14/03/2024
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
14:36, 16/12/2023
Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
03:00, 08/12/2023
Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu
02:00, 30/10/2023
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh
20:59, 27/10/2023
DGC sẽ phục hồi nhờ triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn?
04:00, 24/09/2023
Kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu
02:45, 09/03/2024