Kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu

HẠNH LÊ 09/03/2024 02:45

Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu, bắt đầu từ hub nhân lực bán dẫn, sau đó là hub về thiết kế, testing (kiểm thử), đóng gói, sản xuất...

>>>Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ những kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số tại hội nghị Ban Chấp hành mở rộng và gặp gỡ hội viên VINASA đầu năm 2024.

Sứ mệnh quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số

Hiện nay, cả nước có khoảng 50.000 doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động. Trong số đó, 1.500 doanh nghiệp có doanh thu từ nước ngoài, năm 2023 đạt 75 tỷ USD. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ: Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn đánh giá cao các doanh nghiệp công nghệ số và coi đây là nhân tố chính để phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp ICT Việt Nam (ảnh: Lê Anh)

Đề cập 2 cuộc chuyển đổi quan trọng nhất trong thế kỷ là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: 2 cuộc chuyển đổi sẽ đi song hành với nhau, muốn xanh phải số và ngược lại, muốn số phải xanh. Doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng nhất trong 2 cuộc chuyển đổi mang tính thế kỷ, không chỉ cho Việt Nam mà cho thế giới.

Vì vậy, trong nhiều chục năm tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ có nhiều chuyển đổi quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ 2 của ngành công nghệ thông tin. Đó là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ tự động hoá sang thông minh hoá và trí tuệ nhân tạo, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu vô hạn để sinh ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số. Với cộng đồng doanh nghiệp, sự chuyển đổi từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ, cao hơn là công nghệ nền, công nghệ lõi  (chip), từ thị trường trong nước ra thị trường quốc tế.

Phát triển bứt phá từ công nghệ bán dẫn

Ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để tận dụng các thành tựu công nghệ, tạo đà bứt phá và vươn lên thành nước phát triển. Nếu ở 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, phần cứng là chủ yếu, thay thế cho lao động chân tay, còn ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phần mềm là nhiều, rồi AI, chip thay lao động trí óc. Đặc biệt, người Việt Nam có “gen” STEM (kỹ thuật, công nghệ, khoa học, toán) rất phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu, trước hết là hub nhân lực bán dẫn, sau đó là hub về thiết kế, testing (kiểm thử), đóng gói, sản xuất... Để tạo nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có nhiều cách nhưng không có cách nào nhanh hơn sự phối hợp doanh nghiệp và các trường đại học trong đào tạo nhân lực. Nhà nước sẽ hỗ trợ về phòng lab phục vụ cho thiết kế bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài có điều kiện như có phần R&D, khuyến khích liên doanh từ 100% vốn nước ngoài.

Kết hợp doanh nghiệp và nhà trường là giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất trong đào tạo nhân lực bán dẫn (ảnh minh hoạ)

Kết hợp doanh nghiệp và nhà trường là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất trong đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân lực bán dẫn (ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: phát triển chip phải được đặt trong một bức tranh lớn, đồng thời phát triển cùng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Hiện, các thiết bị điện tử viễn thông đã chuyển sang hệ khác là tích hợp AI. Song song với đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tạo ra các ứng dụng để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác chuyển đổi số, nhất là trong năm nay, 5G được thương mại hoá, tạo ra nền tảng tốt cho chuyển đổi số. 

Chia sẻ với các doanh nghiệp công nghệ số là hội viên Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn Hiệp hội và các doanh nghiệp có giấc mơ lớn, khát vọng lớn, mục tiêu lớn để từ đó dung nạp được nhiều người, dung nạp được những người giỏi và dung nạp những doanh nghiệp khác. Mục tiêu, khát vọng lớn sẽ tạo nên sự đoàn kết, kết nối những ý tưởng khác nhau. Đặc biệt, những ý tưởng đột phá, ý chí mạnh mẽ hơn, suy nghĩ sâu sắc và mãnh liệt để tạo ra sự phát triển bứt phá, không bỏ lỡ cơ hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

    Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

    03:00, 08/12/2023

  • Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu

    Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu

    02:00, 30/10/2023

  • Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh

    Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh

    20:59, 27/10/2023

  • Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Phía trước là bầu trời?

    Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Phía trước là bầu trời?

    03:59, 03/09/2022

  • Cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

    Cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

    22:59, 08/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành hub của ngành bán dẫn toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO