Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang phát triển với sự góp mặt của các “ông lớn”. Nhưng, với phần lớn hoạt động sản xuất diễn ra ở mức thấp của chuỗi giá trị, liệu phía trước có là bầu trời?
>>>Samsung khởi đầu mảng kinh doanh mới tại Việt Nam
Từ động thái của Samsung...
Như DĐDN đã đưa tin gần đây, Samsung - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2023, nhằm đa dạng hóa hơn nữa lĩnh vực sản xuất khi Mỹ, Trung Quốc và những nước khác đang tìm cách thống trị và trau dồi chuỗi cung ứng công nghệ.
Hiện, Samsung đang thử nghiệm các sản phẩm mảng lưới chip bóng lật (FC-BGA) và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Tháng 2 vừa qua, gã khổng lồ Hàn Quốc cũng đã rót thêm 920 triệu USD vào nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Thái Nguyên.
Samsung, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, lần đầu tiên đầu tư 1,3 tỷ USD vào đơn vị cơ điện vào năm 2013, chuyên sản xuất bo mạch chủ và các linh kiện điện tử khác. Năm ngoái, con số này đã tăng lên 18 tỷ USD. Hiện tại, “gã khổng lồ” điện tử này đã có sáu nhà máy trong nước và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển mới (R&D) tại Hà Nội.
Giờ đây, chất bán dẫn sẽ đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh trên toàn thế giới.
Theo nhận định của các chuyên gia, động thái của Samsung có một ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ của Việt Nam. Việc Samsung, một trong những người chơi lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã chọn Việt Nam để bắt đầu sản xuất chất bán dẫn, đang cho thấy việc nhìn nhận Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới nổi toàn cầu.
>>>Thêm tỷ đô cho tham vọng của Samsung tại Việt Nam
>>>Toan tính của Synopsys
...đến bước đi của các “gã khổng lồ” khác
Trước Samsung, Việt Nam đã có Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của Intel. Năm ngoái, “gã khổng lồ” linh kiện của Mỹ đã cam kết chi 475 triệu USD để xây dựng một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp vi điện tử tiên tiến nhất tại Việt Nam.
Khu phức hợp được xây dựng tại Việt Nam với số tiền lên đến hơn 1,5 tỷ USD trong vòng 15 năm qua, đã biến nhà máy sản xuất trở thành một trong những nhà máy lớn nhất của Intel. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới, các khoản đầu tư trực tiếp của họ sẽ có nhiều khả năng tiếp tục trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất chip khác, bao gồm Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. Những công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần cũng như các trung tâm nghiên cứu, biến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong ngành.
Đầu năm ngoái, Hayward Quartz Technology, một nhà cung cấp OEM lớn, đã được phê duyệt để xây dựng một nhà máy trị giá 110 triệu USD tại Việt Nam. Cùng tháng đó, Pegatron, một trong những nhà cung cấp dịch vụ EMS của Apple, đã chi 22,9 triệu USD để mua đất tại Việt Nam. Công ty dự định đầu tư thêm 1 tỷ đô la Mỹ để thiết lập năng lực sản xuất đáng kể trong khu vực. Đặc biệt, Foxconn, nhà lắp ráp thiết bị lớn nhất của Apple, đã lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách đầu tư hơn 300 triệu USD vào Việt Nam gần đây.
Và mới nhất, trước lệnh cấm xuất khẩu phần mềm thiết kế chip sang Trung Quốc của Bộ Thương mại Mỹ mới đây, “gã khổng lồ” chip Mỹ Synopsys cũng đang tìm đường sang Việt Nam để mở rộng đầu tư. Synopsys, công ty thuộc S&P 500, chuyên về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp danh mục dịch vụ và công cụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành.
Còn đó những thách thức
Rõ ràng, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức đáng kể trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Nguồn ngân sách hạn chế, cơ sở hạ tầng lạc hậu, thủ tục hành chính và khung pháp lý còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của các dự án. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu từ ngành công nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.
Đáng chú ý, đóng gói và thử nghiệm, lĩnh vực mà Việt Nam tham gia nhiều nhất, là một lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận thấp so với thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Đây là vấn đề chính có thể ngăn cản Việt Nam bước lên một nấc thang khác trong chuỗi giá trị nằm ở yêu cầu cao về cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như trình độ chuyên môn cao của lao động.
Nhìn chung, theo các chuyên gia nhận định, Việt Nam dù đang có trong tay nhiều lợi thế cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên, điều này có thể sẽ mất một thời gian và cũng sẽ phụ thuộc vào hệ thống chính trị để chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các biến số kinh tế vĩ mô toàn cầu có thể ảnh hưởng và định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi cung ứng bán dẫn mới
08:50, 14/08/2022
Amkor và lực đẩy ngành bán dẫn Việt Nam
02:39, 13/11/2021
Cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
22:59, 08/11/2021
Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn
06:00, 25/05/2021
Samsung khởi đầu mảng kinh doanh mới tại Việt Nam
04:00, 14/08/2022