Châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến chống rác thải nhựa
Nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để thúc đẩy giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu.
>> Ai có thể giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa?
Vào tháng 3 năm 2022, trong phiên họp thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, 175 quốc gia đã đồng ý đàm phán một công cụ quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa. Theo đó, một Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) đã được thành lập với nhiệm vụ soạn thảo bộ công cụ này vào cuối năm 2024.
Các nước châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác từ khắp nơi trên thế giới đang tham dự phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) lần này. Khu vực này cũng chiếm hơn một nửa sản lượng nhựa toàn cầu, trong đó riêng Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất, chiếm tới 30%.
Tuy nhiên, theo chuyên gia môi trường Arpita Bhagat, khu vực này cũng đang bị phân tán mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề về rác thải nhựa. Trong khi các quốc gia đang phát triển trên đảo Thái Bình Dương đang có tham vọng cắt giảm sản xuất nhựa, thì một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ.... lại kiên quyết thực hiện một thỏa thuận tự nguyện, chỉ tập trung vào các biện pháp quản lý việc sử dụng nhựa. Và Đông Nam Á hiện bị kẹp ở giữa.
Nhưng Đông Nam Á cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp. Theo báo cáo mới nhất của trung tâm C4, Malaysia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi nhập 79 triệu kg phế liệu nhựa theo mã HS 3915 từ Nhật Bản chỉ trong năm 2022.
Tương tự, ở Nam Á, chính phủ Sri Lanka, Nepal và Bangladesh phải đối mặt với những tác động hạ nguồn của tình trạng sản xuất nhựa quá mức và lãng phí do các nước láng giềng giàu có hơn tạo ra. Hệ sinh thái Himalaya hoặc sông và đại dương mỏng manh kết hợp với cơ sở hạ tầng chất thải kém, khiến chúng rất dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm nhựa.
"Nguồn lực thấp, vị thế địa chính trị yếu và chuyên môn kỹ thuật hạn chế khiến các quốc gia Đông Nam Á dễ bị tổn thương trước những nước khác trong và ngoài phòng đàm phán INC", bà nói.
>> Đông Nam Á đối mặt vấn đề nan giải trong ứng phó biến đổi khí hậu
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Inger Andersen nhấn mạnh, vòng đàm phán INC-4 là thời điểm quyết định cho thỏa thuận về nhựa. Để thực hiện được điều này, bà Andersen cho rằng, các nước châu Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực kêu gọi việc bỏ phiếu đồng thuận phải được đảm bảo theo đúng các quy tắc đã được đưa ra. Điều này nhằm ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào có thể đưa ra quyền phủ quyết và cản trở tiến trình.
Bên cạnh đó, nhà vận động không rác thải nhựa Marian Ledesma của Greenpeace cho rằng, các chính phủ trong khu vực có thể đảm bảo cho người lao động trong ngành này được chuyển đổi sinh kế nhằm từng bước thực hiện giảm thiểu nhựa. Chuyên gia này nói thêm, hiện là thời điểm thích hợp để áp dụng các hệ thống tái sử dụng hay tái tạo vì chúng cũng mang lại cơ hội về việc làm, khả năng tiếp cận và lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, chứ không chỉ riêng cho một ngành nào.
Cuộc khảo sát công khai mới nhất của Greenpeace, với sự tham gia của 19.000 người trả lời ở một số quốc gia, bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, cho thấy sự ủng hộ chưa từng có đối với việc cắt giảm sản lượng nhựa. Theo đó, Philippines cho thấy mức độ ủng hộ cao nhất với 93%, tiếp theo là người Trung Quốc với 92%, người Ấn Độ với 86% và người Nhật Bản có sự ủng hộ thấp nhất với 68%. Điều này chứng tỏ sự mất kết nối giữa chính phủ và người dân của họ về vấn đề này.
Trên thực tế, thế giới vẫn tiếp tục cần nhựa cho những mục tiêu cụ thể như công nghệ năng lượng tái tạo. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói rằng việc sử dụng nhựa một lần và ngắn hạn nên kết thúc. Theo các nhóm môi trường, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm lượng sản xuất nhựa là cách duy nhất để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường.
Đã đến lúc các chính phủ cần nhận ra những tác hại của việc sử dụng nhựa với môi trường; nếu không, những tổn hại không thể khắc phục được do rác thải nhựa gây ra cho hành tinh và chính người dân toàn cầu sẽ ngày một nhân lên trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Ai có thể giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa?
03:00, 23/04/2024
Giảm thiểu rác thải nhựa mở đường cho du lịch phát triển bền vững
01:30, 17/11/2023
Giảm thiểu rác thải nhựa trong phát triển du lịch
14:21, 14/04/2023
Khi du lịch Việt “mất điểm” vì rác thải nhựa: Giải pháp nào?
04:00, 28/03/2023
Nhà tài trợ COP27 - Coca Cola là công ty gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất
14:04, 25/11/2022
Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong tái chế rác thải nhựa
16:04, 02/12/2022