Ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
>>Du lịch là điểm sáng trong phục hồi kinh tế
Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa từ lâu đã luôn là vấn đề cấp bách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Rác thải nhựa dùng 1 lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loại sinh vật khác. Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Chia sẻ tại Tọa đàm về giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, tăng trưởng xanh trở thành định hướng phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối với Du lịch, ngay từ năm 2012, Tổ chức Du lịch thế giới (UN-WTO) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo về Phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; trong đó, nêu rõ 6 thách thức lớn mà du lịch thế giới phải đối mặt, thách thức thứ 3 trong báo cáo đó là “Quản trị rác và chất lượng nước”.
Nhận thức được trách nhiệm của mình, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch khi vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa.
Được sự ủng hộ của UNDP và Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến Lược Chính Sách Tài Nguyên & Môi Trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu RTN ở Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Nêu ý kiến về vấn đề rác thải nhựa trong du lịch, ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group, cũng cho rằng chính quyền địa phương là một bộ phận vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường cũng như giảm tải rác thải nhựa.
Nhận thức được vấn đề trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực, sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch đã được UNDP, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
>>Đề xuất ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào kỳ họp tháng 5/2023
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Dự án hướng đến mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các hoạt động truyền thông.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, đây là chương trình rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phục hồi du lịch, gắn với tư duy mới, định hướng mới là phát triển du lịch xanh, bền vững. Dự án này có tác động thiết thực đối với ngành du lịch, đã quan tâm chú trọng đến chiều sâu để du lịch Việt Nam đi đúng hướng hơn, bền vững hơn; bám sát, tiệm cận với du lịch khu vực và thế giới, vươn lên xứng tầm.
Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều chương trình về phát triển du lịch làm sao đáp ứng kỳ vọng phát triển của ngành, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam luôn coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch Việt Nam.
Ông Hà Văn Siêu kỳ vọng sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch, địa phương và vai trò trung tâm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam để kết nối các chương trình, chính sách của ngành du lịch nhằm lan tỏa rộng rãi đến các cơ sở dịch vụ, người làm du lịch. Ngành sẽ ban hành tiêu chí quy định những nội dung cụ thể để triển khai dự án hiệu quả.
Nhân dịp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động cuộc thi sáng tạo ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Có thể bạn quan tâm
13:00, 14/04/2023
12:49, 14/04/2023
03:00, 14/04/2023
03:45, 13/04/2023