Thế khó của ANV

HÀ PHƯƠNG 05/05/2024 02:22

Là doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra nhưng Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) đang gặp không ít khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chủ lực đang giảm.

>>>Việt Nam xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore

ANV xuất khẩu cá tra sang hơn 100 quốc gia, với thị trường chính là Trung Quốc.

 Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ANV qua các năm.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ANV qua các năm.

Kết quả kinh doanh ảm đạm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, doanh thu thuần của ANV giảm tới 12% xuống còn 1.016 tỷ đồng. Lãi gộp hơn 101 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa cùng kỳ; kéo theo biên lãi gộp còn 10%, thấp hơn mức 18% cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 42% xuống còn 5,2 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ tiền gửi có kỳ hạn giảm 88% xuống còn 756 triệu đồng. Ngược lại, lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh và lãi bán hàng trả chậm lần lượt tăng 40% và gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí tài chính ghi nhận 24,6 tỷ đồng, giảm 32% và chi phí lãi vay chiếm phần lớn (22.4 tỷ đồng), giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, ANV lãi ròng gần 17 tỷ đồng, giảm tới 82% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch lãi ròng 306 tỷ đồng năm 2024, ANV mới chỉ thực hiện được 5,6%.

>>>Chống khai thác IUU: Vì sự phát triển ngành thuỷ sản ổn định và bền vững

Quy mô tài sản của ANV tại ngày 31/03/2024 hơn 5.062 tỷ đồng, giảm gần 1% so với đầu năm. Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất, hàng tồn kho của ANV chiếm tới gần một nửa tổng tài sản của doanh nghiệp này. Đến cuối quý 1/2024, giá trị hàng tồn kho của ANV đạt 2.325 tỷ đồng. Tồn kho thành phẩm và nguyên vật liệu ở mức cao do sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu còn yếu. Lũy kế năm 2023 giá trị xuất khẩu của ANV chỉ đạt 112,5 triệu USD (giảm 10,3% ). Do tốc độ hồi phục chậm nên ANV cũng chưa đẩy mạnh việc triển khai các dự án xây dựng khu nuôi trồng thủy sản, trong đó lớn nhất là dự án vùng nuôi Bình Phú có diện tích 600ha.

Triển vọng thời gian tới

Theo VASEP, trong tháng 1/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 165 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sang tháng 2/2024 xuất khẩu cá tra chỉ đạt 90 triệu USD, giảm 32%, và xuất khẩu cá tra tháng 3/2024 đạt 168 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu của VASEP ghi nhận xuất khẩu cá tra tháng đầu năm giảm. (Ảnh minh họa)

Số liệu của VASEP ghi nhận xuất khẩu cá tra tháng đầu năm giảm. (Ảnh minh họa)

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu giảm mạnh. Riêng trong tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 22%; giá trung bình xuất khẩu ở mức 1,94 USD/kg, giảm 1,5% so với cuối năm 2023.

Tuy nhiên, theo FPTS, nền tảng tập khách hàng mở rộng, kết hợp triển vọng nhu cầu cá tra tại Trung Quốc phục hồi trong thời gian tới sẽ thúc đẩy doanh thu từ thị trường này của ANV tăng trưởng tích cực trong năm 2024, dự phóng đạt 1.482 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 2/2024 đạt 16 triệu USD, giảm 8% so với tháng 2/2023. Sang đến tháng 3/2024, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 2/2023. Mặc dù vậy, Bộ Thương Mại Mỹ đã công bố kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá 0 USD/kg có lợi cho ANV. Do đó, FPTS kỳ vọng đây sẽ là nền tảng thuận lợi để ANV tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong bối cảnh nhu cầu phục hồi trong những tháng cuối năm 2024, doanh thu dự phóng đạt 348 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023.

FPTS cho rằng nguồn cung cá tra thắt chặt do hệ quả giá cá tra nguyên liệu thấp trong năm 2023, kết hợp dự báo nhu cầu cá tra phục hồi trên diện rộng sẽ khiến cán cân cung - cầu cá tra thâm hụt trong 6 tháng cuối năm 2024. Sự thâm hụt này sẽ hỗ trợ phục hồi giá bán bình quân và biên lợi nhuận gộp của ANV. Theo đó, giá bán bình quân và biên lợi nhuận gộp năm 2024 của ANV lần lượt đạt 2,3 USD/kg, tăng 5% và 17,8%, tăng 7%.

Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia, ANV vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này trong những tháng đầu năm 2024 vẫn còn yếu. Nếu nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường này không phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ là thách thức lớn đối với ANV.

Để hóa giải thách thức này, nhiều chuyên gia cho rằng ANV cần đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm giá trị gia tăng có hàm lượng kỹ thuật cao, như Collagen và Gelatin. Đến nay, ANV đã trở thành doanh nghiệp thứ hai tại Việt Nam sản xuất Collagen và Gelatin từ da cá tra sau VHC. Dự án liên doanh giữa ANV và Amicogen đang chạy thử nghiệm giai đoạn 1 với công suất chế biến 780 tấn/năm, giai đoạn 2 và 3 sẽ nâng công suất lên 1.200 và 2.400 tấn/năm. Dự kiến khi hoạt động hết công suất, mỗi năm dự án sẽ mang lại 36 triệu USD doanh thu và 1,5 triệu USD lợi nhuận. Mảng sản phẩm Collagen và Gelatin được kỳ vọng sẽ đóng góp 10% lợi nhuận của ANV vào năm 2025.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp lo lắng vi phạm quy định “trộn lẫn nguyên liệu thuỷ sản

    Doanh nghiệp lo lắng vi phạm quy định “trộn lẫn nguyên liệu thuỷ sản"

    15:08, 01/05/2024

  • Doanh nghiệp lâm, thuỷ sản khó tiếp cận vốn tín dụng

    Doanh nghiệp lâm, thuỷ sản khó tiếp cận vốn tín dụng

    12:00, 23/04/2024

  • Nam Định: Nỗ lực bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

    Nam Định: Nỗ lực bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản

    00:06, 21/04/2024

  • Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá

    Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá

    20:00, 14/04/2024

  • Hải Phòng: Nâng cao nhận thức về các quy định khai thác thuỷ sản

    Hải Phòng: Nâng cao nhận thức về các quy định khai thác thuỷ sản

    01:14, 04/04/2024

HÀ PHƯƠNG