Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá

HÀ THU 14/04/2024 20:00

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang là top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất.

>>Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tính tới hết quý 1/2024 ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 770 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu tôm tháng 3 đạt gần 276 triệu USD, luỹ kế xuất khẩu tôm quý I/2024 đạt hơn 690 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu cá tra tháng 3 thu về 168 triệu USD, tính chung quý 1 đạt gần 424 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ.

Nhiều tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu thuỷ sản quý 1/2024

Nhiều tín hiệu đáng mừng trong xuất khẩu thuỷ sản quý 1/2024

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ tháng 3 tăng 24,5% đạt hơn 89 triệu USD đưa kim ngạch xuất khẩu cá ngừ quý 1 đạt hơn 220 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2023. Xuất khẩu cua, ghẹ và giáp xác khác đạt tăng trưởng cao gần 60% trong quý 1, đạt hơn 47 triệu USD.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Vasep, cho biết không chỉ Trung Quốc, Mỹ tăng nhu cầu tôm cua của Việt Nam, mà xuất khẩu hai loài này sang Nhật Bản cũng có tín hiệu tích cực. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng sang Nhật tăng 20%, xuất khẩu cua tăng 23%.

Ngoài ra, cá tra Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật, theo đó xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng 25% trong quý đầu năm nay. Nhật Bản cũng nhắm tới thị trường Việt Nam gia công chế biến các mặt hàng hải sản như cá hồi, cá nục, cá sa ba...

Bà Lê Hằng cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã công bố kết quả cuối cùng cho đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022. Mức thuế cuối cùng cho POR 19 đã được ấn định ở mức 0,18 USD/kg đối với 5 công ty. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với những lần rà soát trước đó.

Cũng trong tháng 3 vừa qua, DOC đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador, theo đó mức thuế chung của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với 2 nước còn lại.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, ngành hàng tôm cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, tình trạng dư cung trên toàn cầu có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024, do sản lượng tôm thế giới sẽ tăng, với mức tăng được dự báo là 4,8% và đạt 5,9 triệu tấn.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước nuôi tôm lớn. Cụ thể, Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. 2 nước này cũng tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn. Ngoài ra, ngành tôm còn đối mặt với nỗi lo bị áp thuế chống trợ cấp ở Mỹ, khi nước này đang tiến hành điều tra chống trợ cấp với tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

>>Tăng giá trị mới của xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam - Nhật Bản

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngành tôm đang thực hiện những giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời và xây dựng các kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu theo tháng. Giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia (giá chiết khấu cao hơn).

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản (VASEP), dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục và tăng mạnh vào nửa cuối năm. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 – 3,8 tỷ USD.

Bộ NNPTNT cho biết, 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2024, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra sẽ có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu trong năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Nâng cao nhận thức về các quy định khai thác thuỷ sản

    01:14, 04/04/2024

  • Quảng Ninh: Phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn

    01:31, 01/04/2024

  • Gỡ “thẻ vàng” IUU: Áp lực lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam

    03:30, 30/03/2024

  • Bộ đội Trường Sa tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp

    16:53, 29/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu thủy sản: Kỳ vọng bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO