Gói 42 tỷ USD có cứu được bất động sản Trung Quốc?

TRƯỜNG ĐẶNG 19/05/2024 02:00

Sau những biện pháp kích thích không thành công, Trung Quốc mới công bố chương trình cho vay 42 tỷ USD để nhà nước mua lại các bất động sản còn tồn đọng.

Trung Quốc tung ra chính sách hỗ trợ mới nhất nhằm cứu thị trường bất động sản

Trung Quốc tung ra chính sách hỗ trợ mới nhất nhằm cứu thị trường bất động sản

Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa cho biết họ sẽ thiết lập một chương trình cho vay mới để khuyến khích các chính quyền địa phương "tiêu thụ" nguồn cung nhà ở dư thừa, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản.

>>Kinh tế Trung Quốc vẫn chật vật, khả năng có thêm hỗ trợ chính sách

Sáng kiến mới

Theo sáng kiến mới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ cung cấp khoản vay tái cấp vốn trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42 tỷ USD) với lãi suất thấp cho 21 ngân hàng. Các ngân hàng này có thể cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhà nước (do chính quyền thành phố lựa chọn) để họ mua những căn nhà thương mại đã hoàn thiện nhưng chưa bán được và chuyển chúng thành nhà ở xã hội cho người dân có thu nhập thấp và trung bình.

Nguồn vốn của PBOC có thể được sử dụng để trang trải 60% tiền gốc của khoản vay, với tổng quy mô tín dụng lên tới 500 tỷ nhân dân tệ. Chính quyền thành phố có trách nhiệm lựa chọn các doanh nghiệp nhà nước mua nhà và các ngân hàng sẽ cần tự đánh giá rủi ro khi cho họ vay.

Tại một cuộc họp báo, Phó Thống đốc PBOC Tao Ling đã gọi kế hoạch mới này là một “hoạt động do chính phủ chỉ đạo, theo định hướng thị trường. Thông báo về chương trình này được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến do chính phủ Trung Quốc tổ chức.

Phó Thủ tướng He Lifeng cho biết chính quyền địa phương có thể mua một số dự án nhà ở thương mại với mức giá hợp lý và biến nó thành nhà ở xã hội, theo Tân Hoa Xã. Họ cũng có thể lấy lại hoặc mua lại quỹ đất để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các chủ đầu tư.

>>"Mịt mù" tương lai bất động sản Trung Quốc

Theo PBOC, lãi suất của các khoản vay tái cấp vốn là 1,75%/năm, với thời hạn một năm có thể được gia hạn bốn lần. Những ngôi nhà được mua phải có diện tích theo quy định và phải nhanh chóng cho thuê hoặc bán cho các nhóm người đủ điều kiện.

Ông Tao cho biết, các doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn không có liên quan đến các khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương hoặc khoản nợ do chính quyền địa phương bảo lãnh. Ngoài ra, ngân hàng trung ương còn công bố một loạt biện pháp chính sách dành cho người mua nhà, bao gồm loại bỏ lãi suất tối thiểu đối với các khoản thế chấp và giảm bớt các yêu cầu thanh toán.

"Phá băng" ngành bất động sản

Động thái này đánh dấu một bước đi đáng kể của chính phủ Trung Quốc nhằm củng cố lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vốn đang gặp khó khăn.

Tin tức về gói giải cứu nói trên đã khiến giá cổ phiếu của các chủ đầu tư bất động sản được niêm yết ở đại lục tăng vọt trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu. Cổ phiếu các tập đoàn như Yuzhou, Sunac China Holdings hay Agile Group Holdings tăng trên 20%; trong khi giá cổ phiếu của Quảng Châu R&F Properties, Longfor Group Holdings và Sino-Ocean Group đều tăng hơn 10% so với mức đóng cửa trước đó.

Bình luận về giá mua lại của nhà nước có thể sẽ thấp hơn giá thị trường, Jeff Zhang, nhà phân tích cổ phiếu tại Morningstar, cho biết “có căn cứ” cho điều này. Ông nói: “Giá các căn hộ do chính quyền địa phương mua có thể thấp hơn giá thị trường hiện tại”. Điều này có thể gây ra phản ứng tiêu cực của những người đã mua bất động sản trước đó, vì vậy rủi ro cho thị trường vẫn còn. Theo Zhang, chính quyền địa phương có thể sẽ bắt đầu với các dự án ở vùng sâu vùng xa - nơi có nhu cầu thấp - để thí điểm, trước khi triển khai đến nhiều quận nội thành.

Trước đó, những nỗ lực nhằm chặn đà sụt giảm của giá bất động sản đã không thành công, chẳng hạn như chính quyền địa phương nới lỏng các quy định về mua nhà.

Dữ liệu mới công bố cho thấy giá nhà mới ở các thành phố hạng nhất đã giảm 2,5% so với cùng kỳ trong tháng 4, mức giảm mạnh hơn so với tháng 3, trong khi doanh số bán nhà cũ giảm 8,5% trong cùng kỳ.

Giá bất động sản – nơi chiếm phần lớn giá trị tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc – đã tác động nặng nề lên tâm lý chi tiêu. Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại trong tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 4, mặc dù sản lượng công nghiệp tăng 6,7%.

Có thể bạn quan tâm

  • Rủi ro “bom nợ” từ trái phiếu bất động sản Trung Quốc vẫn kéo dài

    Rủi ro “bom nợ” từ trái phiếu bất động sản Trung Quốc vẫn kéo dài

    05:03, 08/12/2023

  • Bất động sản Trung Quốc: Những “bài học” hiệu quả cho Việt Nam

    Bất động sản Trung Quốc: Những “bài học” hiệu quả cho Việt Nam

    05:00, 19/11/2023

  • Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu

    Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu

    04:30, 31/10/2023

  • Các công ty bất động sản Trung Quốc đề xuất giảm nợ gốc 70-80%, chủ nợ

    Các công ty bất động sản Trung Quốc đề xuất giảm nợ gốc 70-80%, chủ nợ "méo mặt"

    13:44, 15/10/2023

  • Thách thức của bất động sản Trung Quốc

    Thách thức của bất động sản Trung Quốc

    05:00, 31/05/2023

  • Bất động sản Trung Quốc: Cú vấp

    Bất động sản Trung Quốc: Cú vấp "ba lằn ranh đỏ" và bài học cho Việt Nam

    03:00, 13/03/2023

  • Hiểu đúng về 16 điểm chính sách “giải cứu” bất động sản Trung Quốc

    Hiểu đúng về 16 điểm chính sách “giải cứu” bất động sản Trung Quốc

    05:30, 16/11/2022

TRƯỜNG ĐẶNG