Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm: Tuân thủ và chủ động gỡ khó
Thống kê quý I/2024, trong 17 công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên thị trường chỉ có 3 công ty có tăng trưởng doanh thu phí mới còn 14 công ty đều giảm mạnh.
>>>ĐIỂM BÁO NGÀY 17/5: Tái cấu trúc thị trường bảo hiểm
LTS: Hàng loạt các quy định đặt ra theo hướng siết chặt, nâng chất dịch vụ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bắt buộc các doanh nghiệp sẽ phải vận động, chủ động tái cấu trúc kinh doanh.
Quý I/2024 ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất (FYP) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tiếp tục giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
BHNT tiếp đà sụt giảm
Trong cơ cấu kênh phân phối, sụt giảm mạnh nhất là bancassurance (bancas). Hiệp hội cho biết tác động của đợt khủng hoảng 2023 vẫn còn kéo dài. Trước đó năm 2023, doanh số qua kênh này đã giảm 44% so với năm trước.
“Tuy nhiên, nếu không có đợt khủng hoảng vừa qua, thị trường BHNT vẫn sẽ sụt giảm dù mức sụt không cao như hiện nay, do sau 10 năm duy trì tăng trưởng ở mức 10%, từ năm 2022, thị trường đã có tín hiệu thay đổi”, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký IAV cho biết.
>>>Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm
Thị trường BHNT Việt Nam được bắt đầu từ năm 1996 với Bảo Việt, công ty bảo hiểm nhân thọ duy nhất thuộc sở hữu của Nhà nước. Thị trường sau đó được mở cửa năm 1999 với 3 giấy phép hoạt động cho các công ty bảo hiểm nước ngoài/liên doanh (Prudential, Bảo Minh-CMG, Chinfon Manulife) và hiện nay đang có tổng cộng 19 công ty BHNT hoạt động ở Việt Nam. Khởi đi từ chỗ doanh số ngành bắt đầu với 2 tỷ đồng, đến nay lên tới hơn 220 nghìn tỷ đồng, song mức độ phát triển xét theo tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP và Chi tiêu cho BHNT trên bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực ASEAN.
Nói cách khác là thị trường chưa kịp khơi các vùng màu mỡ, thì cuộc khủng hoảng 2023 ập tới. “Đợt ảnh hưởng từ việc khai thác qua kênh bancas của một số công ty bảo hiểm top đầu; khủng hoảng truyền thông sau một video tiêu cực đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ thị trường. Cơ quan quản lý siết các chỉ tiêu đo lường mục đích giúp thị trường trở nên chất lượng hơn: thay đổi đề thi theo hướng khó hơn, giám sát chặt chẽ hơn việc thi cấp phép, địa điểm thi… đã làm việc tuyển dụng đại lý mới tăng trưởng âm”, ông Ngô Trung Dũng nói về bối cảnh và thách thức của ngành.
Tuân thủ và làm mới
Năm 2024, ngành BHNT và các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì phải sửa đổi lại theo các quy định mới.
Theo đó, hàng loạt các quy định theo định hướng siết chặt hơn với với BHNT được áp dụng. Cụ thể như các quy định đối với sản phẩm liên kết đầu tư sẽ siết về vấn đề giấy phép kinh doanh, giấy phép với đại lý bán hàng, tổ chức đại lý bảo hiểm chặt về tiêu chí tiêu chuẩn, quy trình giám sát riêng với bán bảo hiểm; quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay, không được giới thiệu về sản phẩm liên kết đầu tư; đối với đội ngũ tư vấn bán hành thì phải thực hiện quy định ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm…
Thực tế trước đây, khi câu chuyện lùm xùm giữa tranh chấp tư vấn - khách hàng dẫn đến đợt khủng hoảng vào 2023, đại diện IVA cho biết không có bằng chứng nào xác định được bên nào đúng bên nào sai. Do đó quy định bắt buộc ghi âm, lưu trữ trong vòng 5 năm là cần thiết, nhưng sẽ khác với trước đây là doanh nghiệp thực hiện để nâng cao chất lượng, còn nay thì bắt buộc.
“Nhìn chung các quy định luôn được kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thị trường và doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí mới để làm mới dịch vụ bán hàng. Bên cạnh đó có một số thuận lợi khi ngành BHNT vẫn tiếp tục thu hút các nhân sự có chuyên môn quốc tế về Việt Nam làm việc, hay ứng dụng và sử dụng kênh số để bán bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, hậu mãi… Có thể nói ngắn gọn là những cải thiện liên quan đến chất lượng tư vấn, tăng cường tư vấn tương tác với khách hàng… sẽ trở thành yêu cầu trọng tâm đối với các doanh nghiệp”, ông Ngô Trung Dũng nhận định.
Phó Tổng Thư ký IAV cũng cho rằng: Trong bối cảnh thị trường còn khủng hoảng niềm tin, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tự làm mới để khắc phục và thay đổi tình trạng hợp đồng mới suy giảm mạnh như hiện nay. Đó cũng chính là hướng đi duy nhất để khắc phục, thay đổi hiện trạng của một ngành BHNT giai đoạn tăng trưởng nóng khiến “chất chưa đi cùng lượng”, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước- người đứng đầu Bộ Tài chính nêu rõ, việc cải thiện chất lượng, tăng trưởng quy mô, hướng tới an toàn, phát triển bền vững - mới là hướng đi xứng tầm tiềm năng và ý nghĩa nhân văn của ngành trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Minh bạch hóa hoạt động bancassurance: Đợt tái cơ cấu bán chéo bảo hiểm lần 1
04:40, 22/11/2023
Minh bạch hóa hoạt động bancassurance: Tăng kiểm soát hoạt động đại lý bảo hiểm
10:20, 21/11/2023
Bancassurance có còn tiềm năng?
04:15, 22/09/2023
Kiểm soát chất lượng Bancassurance: Áp chỉ số như phân loại nợ xấu
05:30, 03/03/2023
Chặn “biến tướng” liên kết bảo hiểm, ngân hàng: Khi bancassurance thiếu kiểm soát
04:00, 28/02/2023
Bancassurance: Nghĩ về Kiểm soát và Tự nguyện
05:14, 26/02/2023
Bancassurance sắp bị hạn chế tăng trưởng vì đâu?
05:00, 11/01/2023