Phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) từ năm 2023 trở đi sẽ không còn "dễ ăn" như trước nữa và điều này sẽ phản ánh vào tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp.
>>Nhóm cổ phiếu nào sẽ chịu áp lực bán tháo?
Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của các doanh nghiệp ngành bảo hiểm trong năm 2022 được ghi nhận lần lượt tăng 16% và 19% so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng trưởng vẫn giảm nhẹ so với trước đây.
Nguyên nhân được Bộ phận phân tích SSI Research của CTCK SSI chỉ ra, do môi trường lãi suất cao có thể làm giảm mức độ hấp dẫn của các sản phầm bảo hiểm liên kết đầu tư.
SSI Research cho rằng tại thị trường bảo hiểm còn khá non trẻ như Việt Nam, hầu hết các cá nhân vẫn xem bảo hiểm như một kênh đầu tư khác hơn là một phương thức bảo vệ. Đây là lý do tại sao các công ty bảo hiểm tập trung vào việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Doanh thu khai thác mới từ những sản phẩm này chiếm 87% tổng NBPS trong năm 2022 (tăng từ mức 84% vào năm 2021). Tuy nhiên, do lãi suất tiền gửi tăng nhanh và đã đạt khoảng gần 10% trong thời gian gần đây cùng với sự sụt giảm của thị trường vốn và trái phiếu doanh nghiệp, việc mua một hợp đồng bảo hiểm với lãi suất cam kết thấp cùng với rủi ro đầu tư vào cổ phiếu và/hoặc trái phiếu có thể không còn hấp dẫn. -
Từ năm 2021, theo SSI Research, có thể nhận thấy một số doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự cơ cấu lại đội ngũ đại lý, cắt giảm những đại lý có hiệu quả thấp. Tính đến cuối quý 3 năm 2022, số lượng đại lý tại một số công ty bảo hiểm đã giảm từ 6% đến 29%. Trong khi đó, doanh số kênh bancassurance vốn phụ thuộc khá nhiều vào khả năng giải ngân các khoản vay mới đối với khách hàng cá nhân đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn quý 3 và đầu quý 4 khi hạn mức tăng trưởng tín dụng đã gần cạn tại một số ngân hàng.
Cuối cùng, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất khả quan trong một năm 2022 nhiều khó khăn, bộ phận phân tích của CTCK này tin rằng bối cảnh toàn cầu đã gây ra những lo ngại nhất định trong tâm lý người tiêu dùng. Chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập là những yếu tố tác động đến niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam. Những lo ngại về thu nhập khả dụng giảm sút có thể đã dẫn đến việc không gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm bảo hiểm.
Thực tế mà SSI Research ghi nhận cho thấy một lát cắt trên thị trường bảo hiểm được kết hợp bán qua kênh ngân hàng thời gian qua, khi từ 2020 đến nay, đã có nhiều thông tin cùng đồng loạt lên tiếng về hiện tượng các ngân hàng thương mại "bán bia kèm lạc" - yêu cầu khách vay phải mua bảo hiểm thì được ưu tiên giải ngân khoản vay sớm, nhanh hơn.v.v; Thậm chí gần đây, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã phải có văn bản gửi một NHTM phản ánh việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại ngân hàng có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.
Vào tháng 11 năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng đã phải yêu cầu mỗi ngân hàng cần rà soát toàn bộ mạng lưới của mình, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã nhận được phản ánh của các hiệp hội, ngành hàng trên địa bàn nêu lên thực tế là doanh nghiệp muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Điều này làm tăng thêm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, gây khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng và việc này không đúng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính của ngành ngân hàng.
Cho đến hiện tại, mặc dù tình trạng ngân hàng "bán bia kèm lạc" đã không còn công khai, phổ biến như trước, (một phần do tín dụng bị hạn chế và cả khi nới room thêm cũng không dễ tiếp cận, giải ngân mới), tuy nhiên thực tế việc thực thi theo công văn của Ngân hàng Nhà nước (văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH) yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên bán bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm, vẫn được nhiều khách hàng phải "đặt lại quan điểm" thế nào là "ép"? Nhiều doanh nghiệp lẫn cá nhân cho rằng rất khó "tố cáo" ngân hàng do các nhân viên sẽ chỉ "gợi ý", và "đặt điều kiện lấp lửng" về việc mua bảo hiểm thì sẽ được ưu tiên vay vốn.
Vì vậy, một chuyên gia nhận định để đánh giá đúng, có thể nhìn sâu hơn vào doanh thu và lãi phí dịch vụ từ bancassurance của các ngân hàng kết tại năm 2022, qua đó sẽ thấy được phần nào tác động, hiệu quả của triển khai bán bancassurance - bảo hiểm qua ngân hàng, từ đó "soi chiếu" ngược lại nhu cầu thực của thị trường.
Trở lại với báo cáo về ngành bảo hiểm, SSI Research cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, không kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm sẽ đến từ việc tăng mức phí bảo hiểm, ngoại trừ phân khúc bảo hiểm xe cơ giới. Tăng trưởng của hầu hết các phân khúc bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng hợp đồng khai thác mới của các công ty bảo hiểm.
Với việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, SSI cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động “bảo hiểm vi mô”. Mặt khác, MIG, BVGI và PTI (cùng các công ty khác) đã tích cực triển khai các sản phẩm này trong năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2023. Đối với các nghiệp vụ bán buôn, động lực tăng trưởng có thể sẽ phụ thuộc vào giải ngân đầu tư công, việc tái khởi động các công trường xây dựng đang dang dở và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Đây là những yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (đặc biệt là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, hàng hải, tài sản & thiệt hại).
Các chuyên gia SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ sẽ thấp hơn kết quả năm 2022, ở mức 10~12%. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp dự báo sẽ chịu áp lực do lạm phát cao, giá hàng hóa, vật dụng và chi phí y tế tăng lên, cũng như chi phí gia tăng do sự phức tạp của những dịch bệnh mới ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Trong khi đó, mức phí bảo hiểm nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định dưới áp lực cạnh tranh.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, dự báo tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng 16~18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012~2021.
Đáng chú ý, các chuyên gianhấn mạnh: "Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, có nội dung đề xuất các ngân hàng bán chéo bảo hiểm (bancassurance) phải ghi âm toàn bộ quá trình tư vấn và lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Mặc dù Thông tư này vẫn vẫn chưa được phê duyệt, nhưng hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm qua chi nhánh ngân hàng đang được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ hơn. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của thị trường".
Tuy nhiên, SSI Research cũng cho rằng môi trường lãi suất cao có thể cứu tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm. Năm 2022, lãi suất tiền gửi đã tăng 400~500 điểm cơ bản so với đầu năm và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 257 điểm cơ bản so với đầu năm, trong khi ROI của công ty bảo hiểm vẫn ở mức 5,8% - thậm chí thấp hơn mức 7,6% của năm 2021. Điều này chủ yếu là do lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh vào cuối quý 3 năm 2022 trong khi chỉ số VN-Index sụt giảm trong năm. Đối với năm 2023, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phản ánh hoàn toàn việc lãi suất huy động đã diễn ra trong năm 2022. Bên cạnh đó,các công ty bảo hiểm nhân thọ còn được hưởng lợi từ việc giảm áp lực dự phòng toán học khi lãi suất kỹ thuật tăng phù hợp với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn trên 10 năm. Theo đó có thể kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư sẽ đủ để bù đắp phần giảm sút của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giúp các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số vào năm 2023.
Riêng đối với BVH, SSI kỳ vọng công ty sẽ đạt mức tăng trưởng vững chắc (34% so với cùng kỳ) do cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ) và lợi nhuận hoạt động đầu tư đều cải thiện. Lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến sẽ biến động khá mạnh giữa các quý. Tuy nhiên, với mức nền so sánh thấp trong quý 2 và quý 3/2022, Công ty có thể tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ sẽ ở mức cao hơn trong quý 2 và quý 3 năm 2023.
Ngoài ra, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện và các kế hoạch tăng vốn/phát hành thêm có thể là những động lực tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu Luật Kinh doanh Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2023. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là những yêu cầu về việc công bố thông tin định kỳ minh bạch và nhất quán hơn, cũng như chuyển dần sang khung quản lý vốn dựa trên rủi ro. Với khung quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn toàn cầu và chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể có nhu cầu tăng vốn để củng cố năng lực tài chính – đây cũng sẽ là những cơ hội thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Ở góc độ đánh giá mức hấp dẫn của ngành bảo hiểm, bên cạnh việc trở về mức định giá hợp lý theo thị trường suy giảm (dù trừ BVH, các cổ phiếu bảo hiểm vẫn đang trên giao dịch trên mức trung bình lịch sử), một số cổ phiếu ngành được Nhà nước thoái vốn theo danh mục dự kiến nhưng chưa triển khai được ở 2022, cùng với đó một số doanh nghiệp tiếp tục còn chưa được room ngoại lấp đầy, sẽ có yếu tố kích thích nhà đầu tư ngoại chen chân chiếm cổ phần chi phối để mở rộng thị phần.
Có thể bạn quan tâm
Bancassurance: Quy định cần phù hợp thực tế hoạt động kinh doanh
11:50, 01/12/2022
"Lương duyên" bảo hiểm - ngân hàng: Cần phát triển Bancassurance ra sao?
05:00, 28/07/2022
Tránh "một cổ hai tròng" Bancassurance
06:00, 27/05/2021
Bancassurance của HDBank làm "sốt nóng" cổ đông ngân hàng
11:31, 23/04/2021
Toàn cảnh ngân hàng 2020 (kỳ 4): Tăng thu nhập dịch vụ nhờ bancassurance
12:30, 14/02/2021