Theo góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, cần đảm bảo sự linh hoạt, chủ động và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.
>>Hết thời ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, bán "bia kèm lạc"?
Điều kiện linh hoạt
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số góp ý trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và hiệp hội, liên quan đến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có các quy định mới liên quan tới đại lý bảo hiểm là các tổ chức tín dụng do Bộ Tài chính ban hành.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định mới một số điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng. Theo VCCI, hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động có ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, vì vậy Dự thảo cần phải có quy định rõ vấn đề chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng đã được cấp phép hoạt động đại lý bảo hiểm, cũng như quy định chuyển tiếp cho chứng chỉ đại lý bảo hiểm, vì khoản 2 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2025”.
Điểm a Khoản 1 Điều 75 của Dự thảo quy định tổ chức tín dụng làm đại lý bảo hiểm phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình và đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định này.
VCCI nêu: “Tổ chức tín dụng có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động kinh doanh được thường xuyên giám sát, quản lý rủi ro theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng. Việc yêu cầu phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, theo doanh nghiệp, hiệp hội, là không cần thiết đối với tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng sẽ chủ động lựa chọn cơ cấu, bộ phận phù hợp để thực hiện hoạt động kinh doanh này. Điều kiện áp dụng đối với chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức tín dụng”.
Điểm c khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “đối với tổ chức tín dụng thì mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý”.
Theo VCCI, việc áp đặt cứng tối thiểu 03 nhân viên đối với mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và địa bàn kinh doanh, tổ chức tín dụng sẽ cân nhắc, bố trí số lượng cán bộ nhân viên phù hợp để triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết bao gồm hoạt động đại lý bảo hiểm. Mặt khác, VCCI cho biết các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này là khá khắt khe và rất ít doanh nghiệp đáp ứng được.
Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định này theo hướng, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc nhân viên trong tổ chức tín dụng làm đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, chủ động và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.
Điểm e khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “có chính sách trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên trong tổ chức đại lý được xây dựng căn cứ trên các Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành trong đó bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu”.
VCCI cho rằng “Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành” là khái niệm mới và chưa rõ, từ đó, tổ chức này đề nghị ban soạn thảo hoặc quy định rõ hoặc bỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 75 vì đây là vấn đề thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức đại lý bảo hiểm, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào vấn đề này.
>> Tránh "một cổ hai tròng" Bancassurance
Có thể thấy từ đầu năm đến nay, thị trường Bancassurance chứng kiến nhiều cú bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm như: Agribank và FWD Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam với Shinhan Việt Nam, VPBank và AIA gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm lên 19 năm...
Mới đây nhất là sự kiện LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm được thị trường đặc biệt chú ý, không chỉ bởi đây là sự kết hợp giữa hai thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm mà còn bởi đội ngũ tư vấn quốc tế hùng hậu tham gia thương vụ này.
Cụ thể, J.P. Morgan - định chế tài chính hàng đầu thế giới - là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho LienVietPostBank, Linklaters tư vấn luật và Milliman là đơn vị tư vấn định giá. Linklaters là hãng luật hàng đầu thế giới, hiện cung cấp dịch vụ tư vấn luật trên 100 quốc gia, tham gia tư vấn luật cho nhiều giao dịch bancassurance tại khu vực châu Á.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia nhận định các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, ngân hàng số phát triển… rất phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nên Bancassurance đang ngày càng bùng nổ. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như giúp cung cấp nhiều tiện ích đa dạng hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đã từng chỉ ra 4 rủi ro lớn trên kênh Bancassurance như: Thứ nhất, nhân viên ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức về các sản phẩm bảo hiểm, có thể dẫn đến chất lượng tư vấn sản phẩm không cao, đôi khi có thể gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng. Nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là tình trạng các ngân hàng chạy đua theo chỉ tiêu, dẫn đến nhân viên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay bằng mọi giá “chèo kéo” khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm.
Thứ hai, rủi ro xung đột đạo đức nghề nghiệp, xung đột lợi ích, và tính hiệu quả khi ngân hàng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Trong kinh doanh hiện đại, một doanh nghiệp không thể đứng một mình mà phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả phụ thuộc vào đối thủ. Chọn phương thức cạnh tranh như thế nào cho thấy tư duy chiến lược của bộ máy lãnh đạo một doanh nghiệp. Với thị trường bảo hiểm, điều này càng quan trọng hơn, vì cạnh tranh xấu, hành xử thiếu đạo đức kinh doanh là mâu thuẫn trực tiếp với những tính chất cao đẹp, như “bảo vệ”, “nhân văn” của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, là rủi ro lan truyền, hệ thống tài chính rất nhạy cảm, bởi nếu ngân hàng và công ty bảo hiểm xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng đến đại lý, đối tác của công ty bảo hiểm, các công ty con của ngân hàng mẹ...
Thứ tư, là thiếu sót trong cơ sở dữ liệu của khách hàng, đặc biệt là thông tin bảo mật của khách hàng, của doanh nghiệp kể cả trong việc luật pháp có cho phép các bên chia sẻ thông tin với nhau hay không đến nay vẫn chưa được thông suốt, rõ ràng.
Như vậy, liên quan đến hành lang pháp lý, các chuyên gia cho rằng bên cạnh Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, tới đây, các cơ quan chức năng nên bổ sung quy định về Bancassurance trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Có như vậy mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.
“Cần có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định, e-KYC, cũng như qui định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng với kênh banca”, TS. Cấn Văn Lực bổ sung.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 25/11/2022
04:00, 06/07/2022
18:50, 27/05/2022
04:00, 23/05/2022