Lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn
VN-Index chốt tuần trước - cuối phiên giao dịch 17/5 tại mốc 1.273,11, tăng 28,41 điểm (+2,28%) và đang tiến dần đến đỉnh cũ 1.280-1.290 điểm.
Đánh giá lại thị trường chứng khoán (TTCK) tuần qua, CTCK Mirae Asset (MASVN) cho rằng tín hiệu đáng chú ý là sự tăng điểm của chuỗi 4 phiên liên tiếp, cùng với đó là dòng tiền có dấu hiệu luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều, trong đó đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu Ngân hàng với 4 đại diện trong top 10 là LPB, VPB, TCB và MBB, trong đó LPB và VPB đã dẫn đầu về tác động tích cực khi giúp VN-Index lần lượt tăng 1,95 điểm và 1,76 điểm. Chiều ngược lại VCB lại là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến mức giảm của chỉ số khi làm VN-Index giảm 0,27 điểm.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 2.143 tỷ đồng trong tuần, VHM tiếp tục là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 756 tỷ đồng, tiếp đến là CTG với giá trị bán ròng 410 tỷ đồng, vị trí thứ 3 tiếp tục là 1 mã ngân hàng là VPB với giá trị bán ròng 273 tỷ đồng. Chiều mua ròng MWG tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị gần 770 tỷ đồng, tiếp theo là NLG với giá trị bán ròng 152 tỷ đồng.
"Chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp là diễn biến cho thấy đà tăng đang chiếm ưu thế vượt trội, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong 1 – 2 phiên sắp tới và chỉ số có cơ hội hướng đến mốc 1.280. Tuy nhiên chúng tôi tiếp tục lưu ý nhà đầu tư về vùng 1.275 – 1.280 là vùng kháng cự mạnh và nhà đầu tư cần lưu ý trong những phiên sắp tới", bộ phận Nghiên cứu phân tích của MASVN lưu ý.
Trong trung hạn, CTCK này cũng lạc quan cho rằng, có triển vọng của VN-Index trong trung hạn dựa trên một số yếu tố:
Thứ nhất, đợt giảm trong tháng 4 đã làm hạ nhiệt định giá của các chỉ số chính, bao gồm VN-Index, VN30 và VN70 (Midcap), đưa định giá trở lại trạng thái cân bằng hơn khi so sánh với tỷ lệ P/E lịch sử trong 10 năm gần nhất.
Thứ hai, kết quả kinh doanh quý I năm 2024 khá khả quan. Theo thống kê của MASVN, với 395 công ty niêm yết trên HOSE (chiếm khoảng 99% vốn hóa thị trường tại VN-Index) đã công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024, bức tranh tổng thể mang lại một loạt tín hiệu khả quan, đặc biệt khi đặt cạnh mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2024 được đề ra bởi các doanh nghiệp niêm yết. Tổng lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) quý I năm 2024 ghi nhận tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và 17% so với quý 4 năm 2023.
Đáng chú ý, khối nghiên cứu lưu ý về sự bùng nổ lợi nhuận trong các ngành Vật liệu, Bán lẻ và Vận tải được xác định là những động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index, bên cạnh ngành Ngân hàng. Trong đó, các nhà phân tích quan tâm các trường hợp lợi nhuận đột biến của HPG, MWG và HVN khi đây không chỉ là những cổ phiếu đầu ngành mà đồng thời còn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận từ vài lần đến hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là HVN với báo cáo lợi nhuận trong quý I năm 2024 vượt 4.300 tỷ VND sau 16 quý liên tiếp chịu lỗ lũy kế. Đồng thời lưu ý tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đột biến của HVN bắt nguồn từ việc ghi nhận khoản thu nhập bất thường 3.630 tỷ đồng, phát sinh từ việc xóa nợ trong một thỏa thuận trả lại máy bay với công ty con Pacific Airlines.
>>>VN-Index sẽ gặp khó tại 1.300 điểm?
"Trong một diễn biến khác, mùa đại hội cổ đông thường niên đang dần kết thúc, với hơn 280 công ty đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 (nhóm này đại diện cho hơn 90% tổng vốn hóa tại VN-Index). Với kỳ vọng của các doanh nghiệp đang trở nên tích cực hơn, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho VN-Index vào năm 2024, có thể đạt đến 16,7% so với cùng kỳ năm trước", MASVN đánh giá.
Cuối cùng, áp lực bán đã giảm dần từ tuần cuối tháng 4, với lực cầu được củng cố quanh vùng 1.160 đến 1.180 điểm, đặt nền móng cho một xu hướng tăng tiềm năng trong tương lai gần.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân trong nước với hơn 110 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4, củng cố thêm dòng vốn mới chuẩn bị tham gia thị trường chứng khoán. Trong các tuần qua, nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là chủ thể mua chính trên thị trường.
Thống kê của FIDT Research cho thấy, riêng tuần 13-17/4, nhà đầu tư cá nhân là chủ thể mua ròng đối ứng chủ yếu lực bán từ khối ngoại. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa hoàn toàn bật tăng mạnh cho thấy dòng vốn vẫn hứa hẹn ở tương lai.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace cho rằng khi dòng tiền vẫn chưa tăng mạnh và nhà đầu tư vẫn đang còn đứng ngoài, thì khả năng tăng của TTCK vẫn còn bởi sức mua sẽ tăng khi dòng tiền bên ngoài gia nhập.
Ở phía khối ngoại, theo FIDT Research, khối ngoại tiếp đà bán ròng trong bối cảnh tỷ giá còn neo ở mức cao. Khối ngoại bán ròng 3/5 phiên với giá trị gần 900 tỷ ở các phiên gần nhất.
"Với việc xu hướng tỷ giá sẽ cải thiện, NHNN không gặp áp lực phải nâng mặt bằng lãi suất, thanh khoản ở hệ thống ngân hàng thông thoáng trở lại, đem đến bức tranh vĩ mô cải thiện nhiều so với các áp lực tỷ giá và vàng gần đây. FIDT Research dự kiến dòng tiền đầu tư từ khối ngoại sẽ quay trở lại trong tương lai gần. Hiện tại, cá nhân đang đối ứng lực bán mạnh mẽ từ khối ngoại, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền từ chủ thể này sẽ tiếp tục vững mạnh khi các yếu tố vĩ mô đã cải thiện đáng kể", ông Phạm Hoàng Quang Kiệt - Phó Phòng FIDT Research nhận định.
Trong trung hạn, một số các yếu tố cũng đang hỗ trợ cho TTCK, bao gồm khả năng vận hành hệ thống KRX - vốn đã bị chậm trễ, lần lữa nhiều lần; cũng như cùng với đó là các thông tin về nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi với kỳ đánh giá gần nhất sẽ cho thông tin trong khoảng tháng 9 tới.
Có thể bạn quan tâm
DIG với trường hợp thua lỗ đặc biệt trên sàn chứng khoán
04:30, 04/05/2024
Thị trường chứng khoán đã tạo đáy?
17:00, 04/05/2024
Giải pháp giảm thiểu rủi ro trên thị trường chứng khoán
05:24, 16/04/2024
Hóa giải rủi ro cổ phiếu chứng khoán
03:03, 14/04/2024
Hai kịch bản thị trường chứng khoán
16:50, 13/04/2024
Kế hoạch tăng vốn nhìn từ nhóm cổ phiếu chứng khoán
05:16, 11/04/2024