Đừng chỉ “đánh tiếng” thoái vốn Nhà nước
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách đợt 2 các doanh nghiệp dự kiến sẽ thoái vốn Nhà nước trong năm nay.
>>>NTP tiếp tục "kéo trần" khi SCIC chốt danh sách thoái vốn
Danh sách này có 31 doanh nghiệp, trong đó có một số cái tên lớn và được đánh giá là hấp dẫn về mặt cổ phiếu. Cùng với 27 doanh nghiệp đã công bố đợt 1, tổng cộng SCIC đang và sẽ có 58 doanh nghiệp cần thoái vốn Nhà nước trong 2024.
Áp lực của chỉ tiêu
Chỉ tiêu 58 doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm nay, nói nhiều là không nhiều nếu đặt trong bối cảnh thị trường thuận lợi, dòng tiền sẵn sàng đổ vào các doanh nghiệp hấp dẫn lẫn các mặt hàng mới để tìm cơ hội. Nhưng nói ít thì lại là không ít trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang khá tích cực, với dự báo có khả năng sẽ vượt 1.350 điểm, song nhà đầu tư ngoại từ đầu năm đến nay vẫn duy trì đà bán ròng và vốn đầu tư tư nhân đang khá thận trọng.
Năm 2023, SCIC đã có những nỗ lực lớn trong thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước. Điều này thể hiện trong báo cáo tài chính của ông lớn quản lý vốn Nhà nước quy mô và chuyên nghiệp nhất hiện nay, nếu không tính đến “siêu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước” gồm các tập đoàn, Tổng ty Công ty lớn - CMSC.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCIC, Tổng công ty đạt doanh thu 7.143 tỷ đồng, giảm 30,1% so với năm 2022. Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm mạnh, SCIC lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022. Như vậy, vẫn đảm bảo “nở nồi” giá trị vốn Nhà nước do SCIC quản lý và cao hơn so với kế hoạch đề ra.
>>>Vì sao công ty con của SCIC muốn bán hết cổ phiếu MBB?
Tuy nhiên, hoạt động thoái vốn với 71 doanh nghiệp được công bố theo danh sách đợt 1 (và công bố đợt 2) vẫn khó khăn. Trong đó, khó khăn là tất yếu khi vĩ mô năm qua có những cơn gió ngược, thị trường tài chính - đầu tư kém thuận lợi; cũng như, trên thực tế cho thấy trong những năm gần đây, không chỉ SCIC, các hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn cổ phần Nhà nước nói chung đều khó khăn, ì ạch so với mục tiêu.
Tại cuối năm 2023, SCIC chỉ thực hiện thoái vốn được 21 doanh nghiệp, giá trị thoái vốn gần 2.000 tỷ đồng (nguồn: SCIC). Điều này cho thấy rằng, đối với 58 doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn năm nay - áp lực dành cho hoạt động này vẫn rất căng.
Cần tính toán hiệu quả dài hạn
Theo báo chí phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC, ông Nguyễn Chí Thành, cho biết danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả; số lượng, giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn. Cụ thể tính đến thời điểm đầu năm 2024, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.
Trên thực tế, nhìn danh sách mà SCIC công bố muốn thoái vốn ở 2 đợt năm nay, số doanh nghiệp “màu mỡ” mà nhà đầu tư trông đợi không nhiều, sáng giá nhất vẫn là NTP và FPT. Và thị trường thực tế cũng đã phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với thông tin khi giá cổ phiếu của 2 mã này lập tức tăng thẳng đứng.
Trong đó, đáng chú ý là NTP với tỷ lệ sở hữu của SCIC 37%, là một tỷ lệ lớn đủ hấp dẫn, đặc biệt với nhà đầu tư tổ chức. Tại NTP hiện đang có nhà đầu tư tổ chức Nhật và nếu họ quan tâm, công ty nhựa có thị phần lớn miền Bắc này đang so kè thị phần với Nhựa Bình Minh - vốn đã được SCIC thoái vốn về tay người Thái - cũng có thể trở thành công ty được kiểm soát lợi ích từ người Nhật.
Vấn đề là nếu cả 2 công ty này với thị phần rất lớn trên thị trường giả định đều được doanh nghiệp ngoại kiểm soát, thì ngành nhựa - kéo theo là chuỗi sản xuất liên quan, sẽ bị chi phối không nhỏ từ nhà cung ứng nước ngoài và nhà sản xuất chi phối bởi vốn ngoại nhưng có nội hàm nội.
Tương tự như vậy, trong các lĩnh vực quan trọng khác như xây dựng, nông nghiệp… với ý nghĩa quan trọng nhất của “vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế”, việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải gắn với đổi mới tư duy quản trị, tạo thay đổi về chất. Cũng chỉ như vậy mới thay đổi sức hút về lượng - nguồn vốn đầu vào cho đổi mới.
Trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính từng khẳng định sẽ giữ lại gà đẻ trứng vàng và bán đi những doanh nghiệp kém cần tái cơ cấu. Về lý thuyết, kinh doanh là hoàn toàn đúng. Nhưng ở góc độ người mua, tất nhiên, nếu “xương xẩu” quá sẽ khó ai quan tâm. Do đó, việc sàng lọc các doanh nghiệp bán vốn, kể cả với những doanh nghiệp “khó bán”, cân đối giữa mục tiêu thu hồi vốn giá tốt với mục tiêu giá trị vốn dài hạn - thì nên chăng vẫn phải ưu tiên giá trị thúc đẩy, lan tỏa của dòng vốn Nhà nước tại lĩnh vực doanh nghiệp đó hoạt động.
Để làm được như vậy, rõ ràng, tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, quy mô vốn chủ lớn, là công cụ, kênh đầu tư của Chính phủ vào nền kinh tế như mục tiêu sau 2030 mà SCIC đang đặt ra. Và cũng cần sự sẵn sàng để chuyển đổi mô hình sớm trước 2025.
Có thể bạn quan tâm