Giá vàng tuần tới: Coi chừng “bóng ma” lạm phát!

NGỌC ANH 26/05/2024 04:20

Lạm phát tiếp tục trở thành mối quan ngại của FED. Giá vàng tuần tới sẽ ra sao khi Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ được công bố?

giá vàng miếng SJC theo niêm yết của DOJI có thời điểm tăng lên mức 90,6 triệu đồng/lượng

Trong tuần này, giá vàng miếng SJC có thời điểm tăng lên mức 90,6 triệu đồng/lượng, sau đó giảm xuống

>> Kinh tế Mỹ nguy cơ đình lạm, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

Trong khi hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh ở châu Á đã tạo ra xu hướng tăng giá dài hạn cho vàng, thì sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ của FED tiếp tục khiến giá vàng điều chỉnh, tích luỹ.

Trong đầu tuần này, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trên 2.450 USD/ounce khi thị trường bắt đầu gia tăng kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Tuy nhiên, sự bứt phá của giá vàng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đẩy giá vàng giảm xuống tới 2.325 USD/oz và đóng cửa tuần ở mức 2.333 USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của DOJI có thời điểm tăng lên mức 90,6 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm xuống 88,9 triệu đồng/lượng và phục hồi lên 89,3 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ nhiều nhà đầu tư bán tháo, chốt lời do Biên bản cuộc họp vừa qua của FED cho thấy thái độ “diều hâu”, trong đó nhiều thành viên FED miễn cưỡng cắt giảm lãi suất khi áp lực lạm phát vẫn tăng cao. “Kết quả đáng thất vọng về lạm phát trong quý 1 sẽ khiến FED mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây để có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang dịch chuyển bền vững về mức 2%”, biên bản của FED nhấn mạnh và lưu ý rằng một số thành viên FED sẵn sàng tăng lãi suất nếu lạm phát tiếp tục tăng cao.

Ông Colin, chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho biết yếu tố lạm phát của Mỹ đang rất nhạy cảm đối với giá vàng trong ngắn hạn. Thị trường đang chỉ kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, cụ thể là vào tháng 11, thay vì tháng 9. Do đó, thị trường vàng sẽ nhạy cảm với dữ liệu lạm phát vào tuần tới. Chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa thích của FED, được công bố vào ngày 31/5, có thể tác động mạnh đến giá vàng tuần tới.

Theo nhiều chuyên gia, chỉ số PCE đã nằm trong phạm vi từ 2,5% đến 3% trong 6 tháng vừa qua, cao hơn nhiều mục tiêu 2% của FED. PCE tháng 4 được công bố vào tuần tới có thể vẫn trong ngưỡng này, chứ chưa thể sụt giảm. Cụ thể, PCE tháng 4 dự báo sẽ tăng 0,2% so với tháng 3.

>> Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng cú đảo chiều ngắn hạn

“Nếu PCE tăng cao hơn dự kiến, sẽ tiếp tục làm giảm kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất của FED, đẩy giá vàng tuần tới xuống sát 2.300 USD/oz, hoặc thấp hơn nữa là 2.280 USD/oz. Ngược lại, PCE giảm mạnh, sẽ đẩy giá vàng tuần tới tăng trở lại vùng 2.400 USD/oz”, ông Colin nhận định.

Dù giá vàng ngắn hạn vẫn tiếp tục điều chỉnh do kỳ vọng về chính sách tiền tệ của FED, nhưng về dài hạn, giá vàng được dự báo vẫn tăng mạnh, không loại từ khả năng lên tới 3.000 USD/oz do các ngân hàng trung ương mua vào và nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh ở châu Á.

Dù điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng giá vàng vẫn có xu hướng tăng trong dài hạn.

Dù đang điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng giá vàng vẫn có xu hướng tăng trong dài hạn.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 1.136 tấn vàng vào năm 2023, vượt qua mức cao trước đó là 668 tấn vào năm 1971. Riêng trong quý 1/2024, các ngân hàng trung ương đã mua vào 290 tấn vàng. Sự gia tăng này là một phần trong xu hướng đa dạng hóa rộng hơn của các ngân hàng trung ương nhằm tránh xa đồng USD.  

Theo ông Adam Rozencwajg, chuyên gia tại Goehring & Rozencwajg, nhiều quốc gia, đặc biệt là các thành viên khối BRICS, đã và đang rời xa đồng USD và sử dụng một loại tiền tệ khác, trong đó chủ yếu là nhân dân tệ, trong giao dịch quốc tế.

“Các quốc gia BRICS- Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi- gần đây đã mở rộng khối của họ thêm 6 quốc gia thành viên, tạo thành BRICS Plus. Các quốc gia này đã tích cực tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD trong thương mại quốc tế. Chẳng hạn, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thường liên quan đến các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, làm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Sự thay đổi này sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng khi các quốc gia này tìm kiếm nguồn dự trữ ổn định”, ông Adam Rozencwajg nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở đó, khối BRICS còn có tham vọng phát hành đồng tiền chung. Để hiện thực hoá tham vọng đó, việc gia tăng dự trữ vàng để đảm bảo giá trị, nâng cao uy tín của đồng tiền chung sẽ là bước đi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng tuần tới: Rủi ro nào tiềm ẩn?

    Giá vàng tuần tới: Rủi ro nào tiềm ẩn?

    04:20, 31/03/2024

  • Giá vàng tuần tới: Coi chừng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược!

    Giá vàng tuần tới: Coi chừng đường cong lợi suất trái phiếu đảo ngược!

    11:20, 24/03/2024

  • Giá vàng tuần tới: “Giật mình” với áp lực lạm phát

    Giá vàng tuần tới: “Giật mình” với áp lực lạm phát

    04:20, 18/02/2024

  • Giá vàng tuần tới: Lại lo khủng hoảng ngân hàng Mỹ

    Giá vàng tuần tới: Lại lo khủng hoảng ngân hàng Mỹ

    04:20, 04/02/2024

  • Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng định hướng mới từ FED

    Giá vàng tuần tới: Cẩn trọng định hướng mới từ FED

    04:20, 28/01/2024

NGỌC ANH