Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Một số quy định cần làm rõ

PHƯƠNG THANH 17/06/2024 04:00

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để phát điện, tuy nhiên còn một số điều khoản cần điều chỉnh và làm rõ.

 >>Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Cần xây dựng thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền

Cần quy định rõ ràng

Theo đó, Luật Điện lực quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo đã quy định, điều chỉnh đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện; có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực…nhằm khai thác tài nguyên bền vững, hợp lý.

Có thể thấy so với Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 ( chủ yếu sửa đổi quy định về chính sách phát triển điện lực và quyền, nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện) thì dự thảo trình sửa đổi mới đây đã có thay đổi đáng kể về chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo để tiến tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải ròng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Lưới điện truyền tải Việt Nam đã phủ kín khắp các vùng miền

Lưới điện truyền tải Việt Nam đã phủ kín khắp các vùng miền

Về chính sách Dự thảo Luật Điện lực năm nay thể hiện sự minh bạch trong các quy định lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực, các dự án điện khẩn cấp và các biện pháp chế tài để xử lý các dự án điện chậm tiến độ; các quy định cụ thể về chính sách phát triển điện tự sản tự tiêu; quy định liên quan mua bán hợp đồng kỳ hạn để tạo cơ sở pháp lý thực thi cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Điện lực lần này còn một số bất cập cần điều chỉnh, cụ thể: Tại Khoản 6 Điều 25, quy định “Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam bộ được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu”, điều này có thể hiểu các vùng khác, có tiềm năng sẽ không được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu. Như vậy sẽ gây lên sự hiểu nhầm về sự không công bằng của chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với các địa phương khác.

Bên cạnh đó một số khoản tại Điều 40, 41, 42 và 43 tại Dự thảo Luật Điện lực còn thiếu rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thị trường điện cạnh tranh và cần được cụ thể hóa, rõ ràng sát với thực tiễn, như các quy định riêng hoặc các văn bản khác thông qua về hoạt động của Thị trường điện cạnh tranh.

>>Kiến nghị các giải pháp cho thị trường điện

Khuyến nghị về chính sách

Đề xuất góp ý cho Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu –Chuyên gia về hành vi kinh tế trong thị trường điện khuyến nghị:

Một là, chính sách phát triển điện lực cần quy định bổ sung mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để khẳng định ý chí, cam kết chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam.

Hai là, phát triển thị trường điện cần được quy định các dự án điện cấp bách, quan trọng được ưu tiên thực hiện, cụ thể gồm hoàn thiện thị trường bán buôn và xây dựng thị trường bán lẻ điện.

Dự thảo Luật Điện lực cũng cần bổ sung quy định cụ thể hơn về cạnh tranh lành mạnh, hoặc tham chiếu đến Luật Cạnh tranh vì thị trường điện thường là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, dễ xảy ra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thao túng giá điện của một số thành viên lớn.

Ba là, một số quy định cần phổ quát hơn, không nên bó hẹp hay có những ràng buộc cụ thể nhất thời mà trong tương lai sẽ có thể phải thay đổi, không nên quy định chỉ khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở “vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam bộ”.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cần bổ sung quy định về mua bán điện sao cho không giới hạn nhiều dạng hợp đồng mua bán điện phái sinh khác như hợp đồng kỳ hạn chuẩn, quyền chọn, trần chắc chắn sẽ xuất hiện trong tương lai do nhu cầu thay đổi của thực tiễn, thay vì chỉ quy định cụ thể, chi tiết một dạng hợp đồng kỳ hạn như trong dự luật.

Bốn là, dự luật cần rà soát, bổ sung các quy định phân cấp tương ứng cụ thể nhằm hỗ trợ các thay đổi sắp tới về thiết kế thị trường điện để tránh các trường hợp cần thay đổi nhưng bị vướng mắc, không thể thực thi do luật chưa có quy định.

Chẳng hạn: các nghĩa vụ điều hành các cơ chế thị trường mới (thị trường dịch vụ phụ trợ, quyền truyền tải, tài chính, cơ chế quản lý công suất) của đơn vị điều hành thị trường điện lực; các hợp đồng mua bán điện phái sinh mới; các đơn vị điện lực mới (môi giới mua bán điện, cung cấp dịch vụ đáp ứng phía nhu cầu, tổng hợp/thu gom nguồn phát và tiêu thụ điện nhỏ, lưu trữ điện, tích hợp nguồn lực lưu trữ và phát điện, kể cả năng lượng tái tạo) sẽ có thể xuất hiện trong tương lai; và các chính sách cụ thể về hệ thống lưu trữ điện cần được dự luật tạo cơ sở pháp lý cho phép Chính phủ, Bộ Công Thương quy định chi tiết cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Cuối cùng, “tôi đề xuất Ban soạn thảo kiểm tra lại tính ổn định và bền vững của bản dự thảo luật cuối với một số tình huống cụ thể các cơ chế thị trường mới, sản phẩm mới, các đơn vị điện lực mới có thể xảy ra trong tương lai”- Tiến sĩ Thái Doãn Hoàng Cầu đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiềm năng đầu tư cho thị trường điện ảnh Việt

    Tiềm năng đầu tư cho thị trường điện ảnh Việt

    08:00, 22/09/2023

  • Kiến nghị các giải pháp cho thị trường điện

    Kiến nghị các giải pháp cho thị trường điện

    05:00, 25/07/2023

  • Thị trường điện thoại Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ

    Thị trường điện thoại Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ

    04:00, 09/03/2024

  • Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” – Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển điện khí

    Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” – Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển điện khí

    16:40, 15/12/2023

  • Thiếu áp lực cạnh tranh quốc tế, tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài

    Thiếu áp lực cạnh tranh quốc tế, tình hình méo mó của thị trường điện còn kéo dài

    23:32, 30/08/2023

PHƯƠNG THANH