Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, muốn có một thị trường điện cạnh tranh, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện…
>> Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền
Theo đó, sau gần 20 năm thi hành, bên cạnh những mặt tích cực, các chính sách trong Luật Điện lực được cho đã xuất hiện những bất cập, tồn tại, cần phải thay đổi nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Chia sẻ về việc xây dựng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cho biết, có 5 nhóm chính sách cần được sửa đổi trong Luật Điện lực. Cụ thể, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động và việc cấp, thu hồi giấy phép điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh minh bạch, giá theo cơ chế thị trường; quản lý vận hành hệ thống điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện cùng an toàn sử dụng điện, vận hành nhà máy thủy điện.
Đặc biệt, liên quan tới giá điện theo cơ chế thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, dù Luật Điện lực hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý để cải cách giá điện, đảm bảo chi phí sản xuất kinh doanh điện được tính đúng, đủ, song trên thực tế còn tồn tại nhiều vấn đề.
Hiện cơ chế điều chỉnh giá điện thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành, điều chỉnh 6 tháng một lần trên cơ sở tính đúng, đủ các chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh của ngành điện, tuy vậy, quá trình thực thi không diễn ra đúng như quy định này. Từ năm 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần: năm 2017 tăng 6,08%, năm 2019 tăng 8,36% và tháng 5 vừa qua tăng 3%.
Đơn vị này cũng cho biết, việc điều chỉnh giá vẫn chịu nhiều sức ép từ dư luận, phải đánh giá tổng thể trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện cần có tính pháp lý cao hơn so với quy định hiện hành, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
>> Sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW
Đồng thời, để chính sách về giá cả, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đảm bảo sự thống nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất xem xét sửa đổi thẩm quyền trong việc ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện lên cấp cao hơn là Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh như tại luật Điện lực hiện hành. Trong đó, quy định thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện theo từng mức điều chỉnh giá gồm Chính phủ, đơn vị điện lực là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đáng nói, Bộ Công Thương cũng đề xuất hoàn thiện quy định về thị trường điện lực, như bổ sung về hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch là một hình thức giao dịch trong thị trường điện lực cạnh tranh; mua bán điện trực tiếp ưu tiên điện tái tạo giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện…
Đánh giá về những vấn đề đã được cơ quan soạn thảo đưa ra trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình và cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết, để sớm có thể xây dựng được một thị trường điện cạnh tranh, tránh độc quyền.
Thông tin với báo chí về việc sửa đổi Luật Điện lực, GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ.
Theo GS.TS Trần Đình Long, quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện để sát thị trường, trong đó, thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành. Bởi vừa qua, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng liên tục, đặc biệt là giá than, giá khí, xăng dầu... Nếu không kịp thời cập nhật các chi phí, sẽ không đảm bảo được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào cho ngành điện.
Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đã nêu, vị chuyên gia này cũng lưu ý, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh, thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu quan trọng: Phát điện, bán buôn và bán lẻ.
Hiện nay, những đơn vị bán buôn điện chủ yếu là 5 công ty phân phối điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm: Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung. 5 doanh nghiệp này đều trực thuộc EVN, do vậy, để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho hay, thị trường phát điện cạnh tranh, mặc dù đã có nhưng cần sòng phẳng với nhau hơn…
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Luật điện lực cần theo hướng rõ ràng hơn
10:59, 11/01/2022
Sửa đổi Luật Điện lực: Cần phân định cụ thể giữa độc quyền và không độc quyền
15:30, 10/01/2022
Sửa đổi Luật Điện lực phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW
16:18, 06/01/2022
Luật Điện lực hiện hành tồn tại... quá nhiều bất cập
04:10, 02/08/2021
Sẽ sửa Luật Đầu tư, Luật Điện lực "mở đường" cho tư nhân làm truyền tải điện?
18:24, 06/11/2019