Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Quy hoạch: Cần bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi

Gia Nguyễn 06/07/2025 04:00

Được cho là một trong những khâu then chốt để hiện thực hóa tinh thần đổi mới... nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Quy hoạch cần bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, sau nhiều lần xem xét và cho ý kiến, Quốc hội đã thống nhất không thông qua Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tổng thể.

sua-luat-quy-hoach-5.7.2.jpg
Quốc hội đã thống nhất không thông qua Dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tổng thể - Ảnh minh họa: ITN

Tại cuộc họp mới đây, cho ý kiến về phương án sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là nội dung được Bộ Chính trị, Quốc hội rất quan tâm. Đề nghị trong lần sửa đổi này phải đảm bảo đồng thời xử lý các vướng mắc, chồng chéo liên quan trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Góp ý vào các chính sách được đề xuất sửa đổi, Thủ tướng ủng hộ việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương đối với quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Từ đó, khai thác tối đa hiệu quả từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đồng thời tạo điều kiện phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ngành, địa phương.

Theo đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến, xây dựng, phê duyệt quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng với các định hướng mang tính chiến lược. Phân cấp cho Bộ trưởng phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia và UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch tỉnh, trên nguyên tắc quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh phải tuân thủ, phù hợp với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.

sua-luat-quy-hoach-5.7.1.jpg
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật này tới đây, cần bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi - Ảnh minh họa: ITN

Đồng thời, thiết kế công cụ, chế tài để tăng cường giám sát, kiểm tra trên tinh thần hậu kiểm thay vì tiền kiểm và lấy ý kiến các chủ thể liên quan theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh nếu không phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

“Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà, tạo thuận lợi, giảm phiền hà, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “không biết mà vẫn quản”, cơ chế “xin - cho”. Cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm tiến độ và chất lượng”, Thủ tướng yêu cầu.

Thực tế, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng cho rằng, những vướng mắc về quy hoạch hiện nay không chỉ liên quan đến quy định của Luật Quy hoạch, mà còn liên quan đến nhiều luật khác có quy định về sự phù hợp với quy hoạch. Do đó, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa xử lý triệt để các điểm nghẽn đã được nhiều địa phương phản ánh thời gian qua.

Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, cần xác định rõ phạm vi, mục tiêu sửa đổi, tránh tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, điều chỉnh đồng bộ các Luật có liên quan tại Kỳ họp thứ 9, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh việc sửa một Luật lại làm phát sinh vướng mắc ở Luật khác.

Đồng quan điểm đã nêu, tham gia thảo luận, góp ý Dự án Luật (sửa đổi), không ít ý kiến cũng cho hay, việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và xây dựng chính quyền hai cấp đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh lại hệ thống quy hoạch theo hướng tinh gọn, khả thi và thích ứng cao hơn.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ, trong bối cảnh đang tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhu cầu điều chỉnh quy hoạch là hết sức cần thiết và khẩn trương. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2030 cũng chỉ còn 5 năm nên khi sửa đổi Luật Quy hoạch, phải sửa đổi một cách thấu đáo.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Quốc hội cũng cần tính đến việc chuẩn bị cho kỳ quy hoạch 2031 - 2040. Kỳ quy hoạch này cần thông qua đúng thời hạn để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển cũng như các nội dung liên quan về phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, sửa đổi Luật Quy hoạch là một trong những khâu then chốt để hiện thực hóa tinh thần đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Thời gian qua, Luật cũng đã được chỉnh sửa, song nếu chỉ sửa một số chương, điều thì không giải quyết được vấn đề một cách căn cơ. Vậy nên, phải tìm ra bản chất, nguyên nhân tại sao sửa mà vẫn vướng để có lộ trình sửa đổi tổng thể, toàn diện, bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi.

Được biết, Chính phủ trình sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (dự kiến tháng 10/2025). Dự thảo này sẽ đồng thời sửa 03 Luật có liên quan bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Quy hoạch: Cần bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO