“Bom nợ” toàn cầu có đáng sợ?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 21/07/2024 02:30

Tổng nợ toàn cầu đã xấp xỉ GDP, gần tương đương khoảng 91 nghìn tỷ USD, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính toàn cầu trong những năm tới.

>> Nợ toàn cầu tăng chóng mặt sau Covid, Việt Nam ra sao?

Chính những khoản nợ đó đang đe dọa mức sống của người dân và sự ổn định của thị trường tài chính tại nhiều quốc gia, ngay cả những nước giàu như Mỹ.

p/Tổng nợ toàn cầu đã xấp xỉ GDP, gần tương đương khoảng 91 nghìn tỷ USD

Tổng nợ toàn cầu đã xấp xỉ GDP, gần tương đương khoảng 91 nghìn tỷ USD.

Nhà giàu cũng khóc

Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính, khoảng 65% số nợ tăng trong quý 4/2023 tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Nợ tại các thị trường mới nổi, như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

Khủng hoảng kinh tế đã làm trầm trọng thêm tình hình nợ công tại nhiều quốc gia phát triển. Châu Âu, một trong những trung tâm tài chính lâu đời nhất, cũng là khu vực dần lộ diện nhiều “con nợ” khổng lồ.

Italy, thành viên G7 đã mang nợ tính trên tỷ lệ GDP nhiều hơn Hy Lạp, nền kinh tế đã vỡ nợ vào năm 2009. Từ đầu năm 2022, nợ công tại quốc gia hình “chiếc ủng” tăng theo tháng, đạt đến 2.843 tỷ euro, tương đương 153% GDP vào giữa năm 2023, phá mọi giới hạn trong lịch sử.

Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 “lục địa già” nợ 3.010 tỷ euro, tương đương 113% GDP, gần gấp đôi mục tiêu 60% của Liên minh châu Âu. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Áo, Cyprus đều có nợ công từ 80% đến 127% GDP.

Mỹ là quốc gia cho vay hàng đầu thông qua các định chế tài chính toàn cầu, nhưng cũng là quốc gia mắc nợ đến 34 nghìn tỷ USD. Số nợ của Mỹ lớn hơn cả tổng số nợ của 4 quốc gia có nhiều nợ nhất, bao gồm: Trung Quốc (14 nghìn tỷ USD), Nhật Bản (10,2 nghìn tỷ USD), Pháp (3,1 nghìn tỷ USD) và Italy (2,9 nghìn tỷ USD).

Mỗi phút, chính phủ Mỹ trả lãi 2 triệu USD cho các tổ chức mua trái phiếu kho bạc. Hàng năm, cuộc tranh cãi nới hay không với trần nợ công của Mỹ đều xảy ra, không ít lần chính phủ liên bang Mỹ hết tiền, phải tạm đóng cửa.

Nhìn chung, nợ của các nước giàu là “hệ sinh thái” phức tạp, chằng chịt các quan hệ kinh tế, chính trị và là đặc điểm cố hữu của hệ thống tài chính hiện đại. Ở thái cực đối diện, nợ của các nước nghèo, đang phát triển đang là vấn đề nan giải hơn.

Hơn 100 nước nợ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khoảng 111 tỷ USD; nhóm 10 quốc gia nghèo nhất trong danh sách này chiếm 695 khoản nợ. Theo Báo cáo nợ quốc tế mới nhất do Ngân hàng thế giới (WB) công bố, số tiền trả nợ của 24 quốc gia nghèo nhất thế giới có thể tăng tới 39% trong năm 2024.

>> Thấy gì từ vòng xoáy nợ toàn cầu?

Vấn đề là khi số nợ phải trả toàn cầu vượt quá mức tăng trưởng GDP hàng năm, đã xảy ra 18 vụ vỡ nợ ở 10 quốc gia đang phát triển trong ba năm qua, bao gồm Ghana, Sri Lanka, Zambia, Somalia, Sudan, Zimbabwe,..

Những hệ lụy khó lường

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, mầm mống hàng chục cuộc khủng hoảng tài chính cục bộ tại nhiều quốc gia đã hình thành và diễn tiến ngày càng xấu. Trước hết, chi phí trả nợ quá cao khiến các chính phủ luôn trong tình trạng thiếu hụt kinh phí cho các dịch vụ công quan trọng như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, phúc lợi công cộng. Đói nghèo, bất bình đẳng xã hội sinh ra xung đột, bạo lực, chiến tranh. Điều này đã rất trầm trọng tại châu Phi.

Nợ công của Mỹ là động lực thúc đẩy chính phủ nước này tiếp tục thương lượng với FED in thêm tiền, có nguy cơ làm gia tăng lạm phát toàn cầu. Để chống lạm phát, FED phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Khi lãi suất đồng USD cao, tiền lãi sẽ tăng mạnh, bồi thêm gánh nặng cho việc trả nợ của nhiều quốc gia khác. Nguy hiểm hơn, khi lãi suất tăng, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân giảm xuống và khả năng vay nợ của chính phủ để ứng phó với các cuộc suy thoái cũng bị thu hẹp.

Với các nước nghèo hơn thường vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ sẽ dẫn tới cầu về vốn vay tăng lên, trong khi cung trên thị trường vốn không đổi, đẩy lãi suất tăng lên. Lạm phát sẽ xuất hiện, xóa sạch mọi thành quả kinh tế. Loạt kết quả đau đớn theo nhau xuất hiện.

Khi người dân mất niềm tin vào chi tiêu công do tình trạng thâm hụt lớn và kéo dài, cộng với tình trạng tham nhũng, lãng phí thất thoát, tất yếu sẽ gây hiệu ứng lạm phát kỳ vọng trong nền kinh tế. Khi các đối tác nước ngoài nhận thấy bất ổn vĩ mô thì hậu quả sẽ là một sự tháo chạy của dòng vốn đầu tư.

Tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI, khi lượng vốn rút đi đủ liều lượng, sẽ gây đổ vỡ thị trường tài chính rất nhanh. Những bài học nhãn tiền đã từng xảy ra tại Mỹ Latin và Đông Á.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu

    Nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu

    03:44, 29/12/2019

  • IMF: Nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục

    IMF: Nợ toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục

    13:22, 19/04/2018

  • Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?

    Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lần thứ 3?

    03:30, 26/04/2024

  • Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao

    Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao

    15:00, 21/11/2023

  • Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu

    Vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và dư chấn ở châu Âu

    04:30, 31/10/2023

  • Country Garden sắp

    Country Garden sắp "đại phẫu" khi vỡ nợ trái phiếu quốc tế

    05:20, 26/10/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ