Bến Tre: Đưa ngành dừa phát triển bền vững
Để hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, Bến Tre tiếp tục nghiên cứu, đưa khoa học công nghệ phát triển bền vững ngành dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre.
Ngày 16/8, UBND tỉnh Bến Tre đã chủ trì, phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tính đến tháng 6/2024, diện tích dừa của Bến Tre hơn 79.000 ha, lớn nhất cả nước. Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam” giúp địa phương thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm.
Trong quá trình phát triển, Bến Tre luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.
Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa… Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo PGS.TS Trần Trung Tính – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Một giá trị mới, quan trọng của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến nền sản xuất carbon thấp. Việc tận dụng tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa không chỉ góp phần vào chiến lược giảm phát thải của Việt Nam, mà còn mở ra những cơ hội kinh tế mới thông qua việc phát triển các thị trường tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ sản xuất xanh, thân thiện với môi trường.
Để phát huy tối đa tiềm năng của cây dừa, việc xây dựng và phát triển các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết. Các mô hình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn hướng tới việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự cân bằng sinh thái.
Bà Nguyễn Phương Thảo - Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học thực vật đã mở ra nhiều định hướng phát triển tiềm năng cho ngành dừa. Trong đó, có thể kể đến ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chọn tạo giống có đặc tính tốt và ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô trong nhân giống hàng loạt cây giống chất lượng cao.
Việc ứng dụng một cách toàn diện các kỹ thuật công nghệ sinh học tiên tiến, kết hợp cùng các phương pháp truyền thống trong nghiên cứu chọn lọc, lai tạo, và nhân giống cây dừa sẽ đặt nền móng khoa học quan trọng đối với sự phát triển bền vững.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Tiền Giang, cây dừa có khả năng lưu trữ carbon cao nhờ đặc điểm là cây lâu năm, cây dừa có thể tồn tại 50 - 60 năm, có sinh khối cao và phát triển tập trung do được trồng hoặc mọc tự nhiên.
Gần 2 thập kỷ qua, có nhiều tác giả, nhà khoa học đã nghiên cứu cho rằng cây dừa có khả năng tích tụ carbon trong cơ thể cây của nó và đất trồng. Khả năng tích giữ carbon này sẽ biến động tùy thuộc vào giống dừa trồng, số năm tuổi của cây dừa, mật độ trồng trên mỗi đơn vị diện tích, trồng độc canh cây dừa hoặc có xen canh với những cây trồng khác và cả việc xem xét hàm lượng carbon hữu cơ trong đất trồng cây dừa.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham luận, đánh giá về vai trò, vị trí cây dừa ở Việt Nam, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cây dừa, tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa hướng đến nền sản xuất carbon thấp; khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường carbon cho cây dừa. Đồng thời, hoạch định các chính sách phát triển bền vững ngành dừa; những định hướng trong xây dựng khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách cho thị trường giao dịch chứng chỉ carbon cho ngành dừa tỉnh Bến Tre góp phần phát triển bền vững về cây dừa...
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành trồng dừa nói chung về vấn đề liên quan đến phát triển bền vững cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre.