Bến Tre tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bến Tre tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông, logistics, đô thị… đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Bến Tre tăng cường liên kết, kết nối khu vực qua tuyến động lực ven biển, mở ra không gian phát triển của tỉnh và toàn vùng.
Ông Nguyễn Minh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng công nghiệp - năng lượng; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch… huy động mọi nguồn đầu tư, phát triển.
Trong đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu có các dự án lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng từng giai đoạn và đang được đẩy mạnh tiến độ. Cụ thể, hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre đã hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 dự án 26 cống dưới đê, đê ven sông Hàm Luông, góp phần từng bước hoàn thiện khép kín hệ thống thủy lợi khu vực, ngăn mặn, trữ ngọt cho 139.000ha diện tích đất tự nhiên vùng Bắc Bến Tre tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, TP. Bến Tre.
Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã hoàn thành đầu tư 11 cống và 3 nhà quản lý cống nhằm mục tiêu phòng chống thiên tai (hạn, ngập úng), cấp nước ngọt, kiểm soát mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên phục vụ 35.800ha đất nông nghiệp thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú. Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, nhà đầu tư đang triển khai các bước để thực hiện quy trình đầu tư dự án. Dự kiến cuối năm 2024 dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Về hạ tầng công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 08 CCN được thành lập, với tổng diện tích 317,9402 ha, có 07 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 217,2 ha, đã cho thuê 81,3909 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 37,48% diện tích đất công nghiệp. Có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động gồm: CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm), CCN Thị trấn - An Đức (Ba Tri), CCN Long Phước (Châu Thành), CCN Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc). Các CCN có 28 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.839,02 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.953 lao động. Trong 04 CCN đang hoạt động thì có 03 CCN được đầu tư những hạ tầng cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong CCN.
Các dự án đầu tư KCN Phú Thuận và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ. Các dự án năng lượng tái tạo đang được tiếp tục đầu tư, hiện có 09/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin với công suất khoảng 366,5 MW.
Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông quan trọng của tỉnh, đặc biệt là cầu Rạch Miễu 2; công tác duy tu, bảo dưỡng; công tác phát triển hạ tầng giao thông nông thôn luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.
Ngoài ra, tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về đề xuất xây dựng Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh (Chương trình DPO); phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Ba Lai 8 trên Tuyến đường bộ ven biển tỉnh; dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong thời gian tới, Bến Tre tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm của tỉnh như: Cầu Rạch Miễu 2, KCN Phú Thuận, dự án nuôi tôm công nghệ cao, các dự án điện gió... Đặc biệt, Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với các tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh là một trong các dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, có vai trò, thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, cùng với việc phát triển đồng bộ hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực... Bến Tre cũng triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, phát huy hiệu quả của Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn và vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, rà soát nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đất đai, môi trường… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất, kinh doanh...
Tỉnh cũng tập trung huy động, thu hút nguồn lực đầu tư theo định hướng phát triển, thực hiện phân bổ các nguồn vốn, đặc biệt là vốn ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp thực hiện tốt các hoạt động liên kết, hợp tác liên kết vùng, tiểu vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, trọng tâm là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm