Tỉnh Bến Tre đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả đối với doanh nghiệp.
Chia sẻ với DĐDN, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định: Với phương châm “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo, phục vụ nhân dân và đồng hành cùng doanh nghiệp”, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre đã xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao, tận dụng và phát huy tối đa tiềm lực của tỉnh trên nhiều phương diện như: kết cấu hạ tầng, chính sách, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực… để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, đưa Bến Tre phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Thưa ông, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Bến Tre đã có sự phát triển vượt bậc. Vậy, đâu là điểm nhấn của Bến Tre trong phát triển kinh tế thời gian qua?
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. nửa nhiệm kỳ qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch đúng hướng.
Tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đạt kết quả khả quan. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 24.818 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; 06 chỉ dẫn địa lý (dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý và cua biển), 09 nhãn hiệu chứng nhận (rượu phú Lễ, bò Ba Tri, heo Mỏ Cày nam, xoài Tứ quý Thạnh phú, tôm biển, tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm, gà nòi lai tàu), 46 nhãn hiệu cộng đồng; Nuôi và khai thác thủy sản tiếp tục phát triển; Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2.946 ha, đạt 73,65% kế hoạch (kế hoạch 4.000 ha); sản lượng ước đạt 104.000 tấn, đạt 72,22% kế hoạch (kế hoạch 144.000 tấn). Hoạt động xúc tiến thương mại chuyển biến tích cực, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đặc biệt, năm 2023, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tính đạt 7,9%; giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 7,38% so cùng kỳ, sản lượng điện thương phẩm tăng 5,44%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,44%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3,99%; thành lập doanh nghiệp mới tăng 5,63%; du lịch phục hồi tốt, lượng khách tăng 71,9%, doanh thu tăng 77,34%. hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp từng bước ổn định và đóng góp quan trọng vào sự duy trì, phát triển của địa phương. Bến Tre đang tập trung thực hiện Chương trình số 08-CTr/Tu của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, phát triển lực lượng doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được tập trung đầu tư phát triển khá đồng bộ. Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông quan trọng, đặc biệt là: công trình cầu Rạch Miễu 2; cầu Rạch Vong; Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú (ĐH. 17); Giai đoạn 2 - dự án xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú. Ngoài ra, phối hợp với Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao; lập đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh…
- Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KT- XH địa phương phát triển nói riêng và cả nước nói chung. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Te thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh phải thống nhất, đồng bộ với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển KT -XH của cả nước. Điểm đáng lưu ý của Quy hoạch tỉnh Bến Tre là phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế địa kinh tế để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, bao gồm việc tổ chức hợp lý, hiệu quả không gian phát triển mới khu vực ven biển là định hướng và tầm nhìn xuyên suốt của quy hoạch để xây dựng phía đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động, khu vực động lực phát triển mới của tỉnh.
Đến năm 2030, phấn đấu Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu... Với mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%... Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước.
Các đột phá phát triển của tỉnh Bến Tre bao gồm: tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.
- Hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường, Bến Tre đã đưa ra các giải pháp gì thưa ông?
Để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh xanh, phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện phát triển bền vững đến năm 2030, huy động sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng thực hiện. Bên cạnh đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được tỉnh lồng ghép trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Đặc biệt, tiếp thu và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động về nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.
Điểm nổi bật là nền kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng xanh, giảm phát thải với các dự án năng lượng gió khu vực biển, canh tác nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; thích ứng BĐKH phù hợp các vùng sinh thái, khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển.
Tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động. Tỉnh cũng đã ban hành Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Đề án Bến Tre xanh và hiện đang xây dựng nhiều mô hình xanh để triển khai tổ chức thực hiện.
Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm phát triển các nguồn năng lượng mới với 19 dự án điện gió được phê duyệt; hiện tại có 09/19 dự án đã hoàn thành với công suất 366,5 MW, trong đó, 05 nhà máy đã đóng điện vận hành thương mại là 123,05/366,5 MW, còn lại 243,45 MW đã và đang hoàn chỉnh công tác lắp đặt thí nghiệm và đang thực hiện các thủ tục đàm phán giá bán điện mới để hòa lưới; 10/19 dự án đã triển khai thủ tục pháp lý.
Song song đó, Bến Tre đã có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
- Cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch đã góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Theo ông, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?
Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế và xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, với tinh thần “Đồng thuận - Sáng tạo”, trong thời gian qua, cùng với thực hiện kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh Bến Tre đã tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Bến Tre hoạt động, sản xuất và kinh doanh. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, Bến Tre đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm tốt trong nhiều năm liền. riêng năm 2022, PCI Bến Tre ở vị trí 13/63 tỉnh, thành phố.
Bến Tre là tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nửa nhiệm kỳ đã có 1.474 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 19.228 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 6.187 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 68.446 tỷ đồng. Hoạt động xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bến Tre tìm hiểu đầu tư. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền tỉnh Ehime – Nhật Bản, với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và đặc biệt là 10 tập đoàn lớn hàng đầu cả nước.
Bến Tre hiện có 332 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 66 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.634,28 triệu USD và 266 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 61.517 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các chương trình đối thoại tháo gỡ khó khăn, các chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, du lịch giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư, thương mại tại Ấn Độ, Vương quốc Thái Lan và Nhật Bản với chủ đề “Bến Tre - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”.
- Ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Bến Tre?
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng những quyết sách đúng đắn, chiến lược hợp lý, Bến Tre đã và đang khẳng định là điểm đến đầu tư đáng tin cậy, thân thiện, an toàn, hiệu quả đối với doanh nghiệp. Tỉnh cam kết luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Bến Tre tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm