Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH đoàn Đồng Tháp chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành gần đây.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH đoàn Đồng Tháp.

Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH đoàn Đồng Tháp.

-Ông đánh giá như thế nào khi mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?

Trong thời gian gần đây, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, đặc biệt là những thông tin không chính thống trên mạng, như Facebook, Viber, Zalo... thường là những thông tin thất thiệt, thể hiện sự sùng bái cá nhân, nói xấu cá nhân, xuyên tạc, nói xấu chế độ... hay dùng mọi hình thức tuyên tuyền để lợi dụng cho tổ chức, cá nhân của mình, vận động, tuyền truyền quyên góp nhằm trục lợi cho riêng tư cá nhân.

Theo tôi, đây là những hoạt động phi pháp, vi phạm luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua việc xử lý những vi phạm này còn chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe để phòng ngừa những đối tượng này.

Do đó, với việc Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là việc làm hết sức cần thiết.

Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông phù hợp với điều kiện mới của Việt Nam hiện nay để sớm ngăn ngừa những đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội đã diễn ra trong thời gian vừa qua.

Ông có bình luận gì khi thời gian qua liên tục xảy ra hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để có những lời nói xúc phạm đến người khác?

Thời gian gần đây đã nhiều đối tượng dùng mạng xã hội để nói xấu nhau rất thiếu văn hóa, thô tục. Họ có thể là những tổ chức hoặc cá nhân đã dùng những lời lẽ thô tục trên mạng xã hội, điều này cho thấy vấn đề đạo đức trong xã hội đang bị xuống cấp.

Tôi cho rằng, văn hóa ứng xử của người Việt Nam từ trước đến nay luôn thể hiện được sự trong sáng, lành mạnh, giản dị. Đây mới chính là văn hóa của người Việt Nam, đó là sự bình dị, nhân văn và biết cảm thông với nhau.

Cần lan tỏa sự tử tế trên mạng xã hội.

Cần lan tỏa sự tử tế trên mạng xã hội.

-Vậy, theo ông Bộ Quy tắc này liệu có thể làm cho môi trường văn hóa trên mạng xã hội lành mạnh hơn hay không?

Tôi cho rằng, đây là một văn bản cần thiết để làm cho môi trường trên mạng xã hội sẽ trong lành hơn, trong sáng hơn. Sẽ có sự rõ ràng rành mạch giữa trắng và đen, giữa thị phi và bôi xấu. Bộ Quy tắc cũng sẽ đưa đến sự văn minh hơn trong cách ứng xử giữa tổ chức, cá nhân. 

Quan điểm cá nhân ông về những đối tượng áp dụng Bộ Quy tắc này là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam...?

Hiện nay không có một quy định hay quy tắc nào yêu cầu những đối tượng này không được sử dụng mạng xã hội. Các công chức, viên chức cũng là công dân và bình đẳng trước pháp luật. Mặc dù, công chức, viên chức cũng có những quy định riêng của ngành về vấn đề phát ngôn, ứng xử như thế nào để phù hợp với thực tiễn.

Còn việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc này đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức... là một trong những đối tượng nằm trong phạm vi áp dụng cũng là điều cần thiết. Vì không chỉ có công chức, viên chức mà tất cả công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam cũng đều phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam, ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!