Trước diễn biến phức tạp cùng nhiều tổn thất về người và tài sản do mưa lũ gây ra tại các tỉnh Miền Trung, người dân Bình Dương đã cùng nhau quyên góp thực phẩm, quần áo; tổ chức gói và nấu bánh chưng để kịp mang về cho bà con các tỉnh đang đói, lạnh vì ngập lụt.

Điểm tiếp nhận Nồi bánh chưng yêu thương phía trước nhà bà Nguyễn Thị Thế, phường Bình Chuẩn, Thành phố Thuận An.

Điểm tiếp nhận Nồi bánh chưng yêu thương phía trước nhà bà Nguyễn Thị Thế, phường Bình Chuẩn, Thành phố Thuận An.

Nồi bánh chưng xóm trọ

Cùng với cái lo của vợ chồng ông Hoài, bà Thế, nhiều tiểu thương, công nhân, người ở trọ tại xóm trọ Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, Thị xã Thuận An dắt nhau tới gõ cửa, nhờ cô chú đứng ra tiếp nhận đóng góp, tìm cách chuyển nhanh cho bà con ngoài đó đang đói, lạnh vì ngập, lụt. “Qua tin tức báo, đài chúng cháu lo và thương lắm”, một tiểu thương nói.

Nghĩ là làm, ông Nguyễn Bá Hoài nguyên đại tá, Tham mưu trưởng Sư đoàn Bộ binh 7 – Quân đoàn 4 đã nghỉ hưu hội ý nhanh với vợ cùng các tiểu thương, người ở trọ cách thức tiếp nhận quà, gửi tặng thế nào cho kịp thời, hiệu quả mà không vướng các quy định về quyên góp, cứu trợ. Chỉ sau vài phút suy nghĩ, cả nhóm thống nhất tổ chức gói bánh chưng vì phù hợp với điều kiện và đóng góp của tiểu thương cũng như người dân xóm trọ.

Thịt heo do tiểu thương và người dân quyên góp gói 20 nồi bánh chưng kịp mang ra cho bà con vùng lũ miền Trung.

Thịt heo do tiểu thương và người dân quyên góp gói 20 nồi bánh chưng kịp mang ra cho bà con vùng lũ miền Trung.

Bà Nguyễn Thị Thế - vợ ông Hoài được giao tổ chức Bàn tiếp nhận, đóng góp trên tinh thần “Của ít lòng nhiều, có chi góp nấy”. Chạy đi in băng rôn xong thì trời đã xẩm tối, cũng là cao điểm mua bán. Nhưng thấy vợ chồng ông Hoài, bà Thế lúi húi chuẩn bị, nhiều tiểu thương đã tự nguyện bỏ sạp chạy sang nhà ông bà ở số 2/21 khu phố Bình Quới, phường Bình Chuẩn, Thành phố Thuận An để trợ giúp, người lo căng bảng, kê bàn, người lập sổ, ghi chép tiếp nhận.

Thông tin “Bàn tiếp nhận – Nồi bánh chưng vì miền Trung thương yêu” do người lao động trong xóm trọ tổ chức đã nhanh chóng lan truyền khắp chợ. Chỉ trong buổi sáng 22/10 đã có 114 cá nhân tự nguyện đóng góp được trên 24 triệu đồng, 200 kg gạo, thịt, lá đủ để nấu 20 nồi bánh chưng nhân thịt, thơm ngon. Trai tráng, phụ nữ trong xóm trọ phân công nhau người lau lá, gói bánh, người đi lấy củi về nấu cho kịp đến sáng 23/10 bánh chưng sẽ được mang đến cho bà con các tỉnh miền Trung.

Tiểu thương, người đi chợ, công nhân lao động torng xóm trọ đến đóng góp, ủng hộ tiền mặt cứu trợ đồng bào Miền Trung đang bị ảnh hưởng bão lụt.

Tiểu thương, người đi chợ, công nhân lao động torng xóm trọ đến đóng góp, ủng hộ tiền mặt cứu trợ đồng bào Miền Trung đang bị ảnh hưởng bão lụt.

Lòng nhân ái lan tỏa

Chị Lê Thị Hương, chủ shop giày dép Minh Phát nói: “Người dân địa phương cũng như tiểu thương, người ở trọ đều có chung tình cảm: Thương người như thể thương thân. Phần lớn người buôn bán, ở trọ đều xuất thân từ vùng quê xa xôi đến Bình Dương sinh cơ lập nghiệp. Mỗi năm tỉnh Bình Dương đều tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa đón anh chị em khó khăn về quê đón tết. Người ở lại thì được chính quyền địa phương thăm hỏi, tặng quá rất ấm lòng. Cao điểm dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện cách ly...chủ chợ, chủ trọ không những không lấy tiền thuê sạp, thuê trọ mà còn mang quà động viên. Tình cảm tốt đẹp đó được lưu giữ, nhân rộng và phát huy thành truyền thống văn hóa của cư dân xóm trọ này”.

Tại Thành phố Dĩ An nơi có đông dân số nhất tỉnh khoảng 700.000/2,4 triệu người, nhiều hộ gia đình cũng đứng ra tiếp nhận quà quà cứu trợ, tổ chức quyên góp, nấu bánh chưng, bánh tét gửi đến đồng bào các tỉnh miền Trung đang chịu ảnh hưởng mưa bão. Nổi bật có gia đình anh Lưu Văn Hữu, phường Tân Đông Hiệp đã tổ chức gói, nấu 10.000 đòn bánh tét nhân thịt cùng với nhiều loại nhu yếu phẩm, tiền mặt, tổ chức xe mang thẳng đến các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nhất để phân phát kịp thời.

Lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo được người dân mang đến điểm tiếp nhận cứu trợ đồng bào miền Trung.

Lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo được người dân mang đến điểm tiếp nhận cứu trợ đồng bào miền Trung.

Lá lành đùm lá rách là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những thùng mì tôm, vài chục ngàn đóng góp tại các điểm tiếp nhận quà cứu trợ là cả tình cảm, tấm lòng chia sẻ yêu thương của rất nhiều người dân lao động. Một chị công nhân vừa góp vội vài chục ngàn rồi đi nhanh về phía công ty để vào ca làm việc nói nhỏ: “Dù chưa phải là lá lành nhưng mình đang có cuộc sống bình yên hơn bà con ngoài đó đang chịu cảnh, đói, lạnh...”.