Ngày xưa, chúng ta thường thấy hoặc nghe về hình ảnh các bậc minh quân thường hay cải trang “vi hành” trong dân để tìm hiểu thế sự. Nhờ đó mà họ biết được nhiều sự  thật về cuộc sống của dân, về đạo đức, tài năng của quan quân dưới quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần đi thăm dân chúng mà không báo trước. Trong khoảng thời gian lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhà nước, Bác là vị lãnh tụ đi xuống cơ sở nhiều nhất (khoảng hơn 700 lần xuống cơ sở), là người gần dân, sát dân nhất và cũng được Nhân dân yêu thương, tin yêu nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vao thăm khu cách ly tập trung (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính vao thăm khu cách ly tập trung (Ảnh: VGP)

Khi dịch bệnh ở cả 3 miền tiếp tục diễn biến phức tạp, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra các cơ sở chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, trực tiếp xuống các khu dân cư đang bị cách ly, phong tỏa ở TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội, gặp gỡ và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc từ chính người dân.

Lịch trình dày đặc và gấp gáp nhưng mọi khâu trong công tác phòng chống dịch, từ cách ly, điều trị đến hậu cần, an sinh đều được kiểm tra sát sao. Và cũng có nhiều bất cập đã được Thủ tướng nhìn thấy mà lãnh đạo địa phương không thấy.

Chẳng hạn, có những điều cực kỳ vô lý đang tồn tại ở cơ sở, ngay tại điểm “nóng” nhất Thủ đô về số ca lây nhiễm Covid -19 mà hơn 1 tháng nay vẫn chưa được giải quyết. Đó là tại điểm cư dân thuộc ngõ 328-330 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội -  nơi có hơn 1.800 dân mà có hơn 300 ca F0, tức là cứ 6 người thì 1 người dương tính với SARS- CoV-2.

Một điểm “nóng” như vậy nhưng 16h30 đã không còn người trực ở chốt, một điểm “nóng” như vậy nhưng chưa có trạm y tế lưu động, chưa có cả quy chế làm việc của Sở Chỉ huy, dân cư tập trung quá đông trong điều kiện sinh hoạt chật chội… Nhưng điều đáng nói nhất là trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” mà địa phương không có người đứng đầu, khi công tác nhân sự cả tháng nay chưa được kiện toàn..v..v

Trước đó, Thủ tướng từng kiểm tra, thị sát dân cư các điểm phong tỏa ở TP.HCM, Bình Dương. Tại đây Thủ trướng trực tiếp “đóng vai” dân để gọi đến các số điện thoại “nóng” mà chính quyền cơ sở cung cấp nhưng không được thì mới và lộ ra những bất cập, chưa ổn ở xã, phường, ông mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của dân.

Thủ tướng

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra và làm việc về công tác phòng, chống COVID-19 tại một số cơ sở ở TPHCM.

Thực tế, hai năm chống COVID-19, chúng ta nhiều lần xúc động mạnh bởi hình ảnh những chiếc áo từ tâm dịch: Tấm lưng phồng rộp của vị bác sĩ sau khi cởi bộ đồ bảo hộ mà anh mặc suốt ngày đêm, những đứa trẻ ngoan ngoãn mặc bộ trang phục bảo vệ rộng thùng thình của người lớn trong khu cách ly, quân trang ròng ròng nước mưa của các anh bộ đội mang thực phẩm cho người dân vùng phong tỏa.

Và giờ đây, chiếc áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng cho thấy tất cả mọi người đều đang đồng lòng nỗ lực để đẩy lùi đại dịch. Nó cho thấy quyết tâm cao độ của Chính phủ trong cuộc tổng tấn công vào COVID-19.

Nói ra những việc trên để thấy một điều: Đánh giá về con người là khó nhất trong mọi sự đánh giá. Cho nên khi nhận xét về bất kỳ ai đó, thường người ta nói về những hành động và lời nói hơn là về kết luận con người.

Ở đây, chuyện lãnh đạo “vi hành” về cơ sở, có thể không phải là những việc gì quá to tát, nhưng lại là những việc hợp lòng dân. Bởi vì, lãnh đạo có đi thực tế mới nghe được dân nói, sâu sát từng vụ việc cụ thể để có hướng chỉ đạo tốt hơn, nhất là khắc phục hạn chế, khiếm khuyết của cán bộ thi hành nhiệm vụ.

Bằng những chuyến thị sát thực tế đó, phần nào cho thấy tâm huyết để lo cho “cái an, cái ấm, cái no” của Nhân dân. Những hành động cụ thể của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Nhân dân, nhiều người cảm động và thấy ấm lòng với những chuyến thị sát, cũng như quan tâm chân thành của Thủ tướng dành cho họ.

Đó là sự gắn bó, sự lắng nghe và sự chia sẻ - những biểu hiện có thể cảm nhận được một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh của một vị Thủ tướng xông xáo, năng động. Và điều to tát hơn mà chúng ta gọi là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

Những việc như vậy rất cần trong bối cảnh, nền quan chế đang có biểu hiện trượt dài vào nạn tham nhũng, cửa quyền và hách dịch.