>> Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Cần chính sách nhất quán và dài hạn

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng và minh bạch cho môi trường đầu tư năng lượng sạch

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng và minh bạch cho môi trường đầu tư năng lượng sạch

Tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 về chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU), trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Đến năm 2050, Việt Nam bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh, trong đó: Lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn.

>> Chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Như vậy có thể thấy giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, chiếm tỷ lệ rất lớn, để thực hiện được kế hoạch đã nêu tại Quyết định số 896/QĐ-TTg, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai.

Hiện nay khung pháp lý cho đầu tư năng lượng tái tạo chưa đồng bộ

Hiện nay khung pháp lý cho đầu tư năng lượng tái tạo chưa đồng bộ

Nội dung trong Quyết định 896/QĐ-TTg, Thủ tướng có chỉ đạo tiếp tục phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; Trong đó cần nâng công suất các nhà máy điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, phát triển các công nghệ nhiên liệu hydro, amoniac, công nghệ năng lượng thủy triều, sóng biển. Đến năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.

Tuy nhiên theo các chuyên gia và doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng như phát triển và duy trì được các nguồn điện này, Việt Nam cần cơ chế, chính sách rõ ràng và minh bạch cho môi trường đầu tư năng lượng sạch.

Cụ thể, Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong cho biết; xu hướng phát triển đầu tư dự án năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời là hướng đi đúng đắn, được Chính phủ khuyến khích, xã hội quan tâm, đón nhận.

Nhưng, chính sách về đầu tư dự án điện mặt trời chưa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ nên nhiều nhà đầu tư từ năm 2021 trở lại đây, lo lắng không rõ số phận dự án đã đầu tư sẽ đi về đâu, giá bán điện ra sao, đến khi nào mới thu hồi lại số vốn đầu tư đã bỏ ra? Hiện nay khung pháp lý cho đầu tư lĩnh vực này chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ trong công tác ký đấu nối cũng như hậu kiểm nên dự án năng lượng mặt trời thời gian qua phát triển “ồ ạt”, gây tắc nghẽn, ảnh hưởng tới hệ thống truyền tải.

“Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, các cơ quan chức năng cần sớm phê duyệt cơ chế mua điện từ dự án điện mặt trời mới (từ năm 2021 trở lại đây), sớm hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng và minh bạch để các nhà đầu tư tự tính toán, cân nhắc hiệu quả trước khi quyết định đầu tư”-  Đại diện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong kiến nghị.

Đồng với quan điểm trên, Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trường Phát Solar cho biết; Mặc dù đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời được đánh giá là nhiều tiềm năng, song thực tiễn triển khai còn gặp nhiều bất cập. Cụ thể nhiều nhà đầu tư “đau đầu” do việc đấu nối hệ thống thu mua điện không đồng bộ, giá bán điện chưa thống nhất, phải tách nhỏ công suất dự án để thuận tiện trong việc cấp phép và làm các thủ tục hành chính để được phê duyệt đầu tư, do hạ tầng truyền tải điện không thể tiếp nhận hết sản lượng điện từ các dự án gây lãng phí đầu tư và nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó một số doanh nghiệp đề xuất, Việt Nam có thể làm dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước với hiệu quả tăng thêm khoảng 20 - 25%. Vấn đề nhà đầu tư điện mặt trời quan tâm nhất hiện nay là các chính sách “khơi thông” đầu ra sản phẩm, đảm bảo hạ tầng truyền tải điện “hấp thụ” được toàn bộ sản lượng điện thành phẩm của dự án, tránh tình trạng, cắt giảm công suất phát của hàng loạt dự án gây lãng phí nguồn lực xã hội, thiệt thòi cho nhà đầu tư vì điện sản xuất ra phải bỏ đi do không biết đấu nối vào đâu.

Do đó đại diện các doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế và minh bạch về giá thu mua, để doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm đầu tư, có lộ trình phát triển bền vững các dự án điện mặt trời, chứ không phải làm dự án để lo lắng có ngày phải phá sản, và bán tháo dự án vì không đủ nguồn lực để chờ đợi, duy trì phát triển…