Doanh nghiệp điện áp mái “cầu cứu” Thủ tướng

Diendandoanhnghiep.vn Đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp, các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà Bình Dương tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, VCCI xin hỗ trợ.

>> https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-dien-mat-troi-ap-mai-khan-khoan-keu-cuu-l 

Cuối tháng 3/2022 các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương có gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiến nghị xin hỗ trợ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp điện áp mái do thông báo tạm dừng thanh toán tiền điện từ tháng 3/2022 nếu không kịp bổ sung thủ tục. Song, đến nay hàng trăm doanh nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nào từ Bộ Công Thương, nên các doanh nghiệp ở địa phương này tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành "cầu cứu".

Bổ sung thủ tục cần xét từ thực tế

Trước đó, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài viết về “Doanh nghiệp điện áp mái cầu cứu”, mới đây đại diện các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục gửi đơn kiến nghị khẩn khoản mong Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu từ tình hình thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn về yêu cầu bổ sung thủ tục pháp lý, đồng thời thực hiện thanh toán tiền điện cho hàng trăm doanh nghiệp điện áp mái đã ký kết hợp đồng mua bán điện trước đó.

Văn bản

Văn bản "cầu cứu" của doanh nghiệp điện áp mái ở Bình Dương.

Trong đơn kiến nghị các doanh nghiệp cho biết: “Thực hiện theo chủ trương chính sách của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện, chúng tôi đã đầu tư các hệ thống điện mặt trời mái nhà (hệ thống ĐMTMN) theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về các Chính sách khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam và Quyết định số 13/2020QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; và Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công thương Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (Thông tư 18); Quá trình triển khai đầu tư dự án, với tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng tôi đã liên hệ với đầu mối là các Điện lực địa phương theo đúng quy định tại Thông tư 18 và được hướng dẫn làm đầy đủ các thủ tục hồ sơ và đã hoàn thành đóng điện, ký HĐMB điện với EVN trước 31/12/2020”.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khi công trình điện mặt trời mái nhà đã đi vào vận hành thương mại, trung tuần tháng 3/2022 các doanh nghiệp điện mái nhà nhận được văn bản của các công ty Điện lực địa phương tỉnh Bình Dương yêu cầu bổ sung ngay hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ an toàn PCCC liên quan đến hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nếu không đủ hồ sơ trên, công ty Điện lực Bình Dương sẽ tạm dừng thanh toán tiền điện cho các doanh nghiệp điện áp mái, đối với sản lượng phát sinh kể từ ngày 01/3/2022 trở đi, đồng thời báo cáo UBND Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ dừng HĐMB điện nếu không cung cấp đủ hồ sơ pháp lý.

Theo các doanh nghiệp, việc ban hành thông báo bổ sung thủ tục quá gấp gáp, kèm theo quyết định tạm dừng thanh toán tiền điện, cũng như tiến tới tạm dừng Hợp đồng mua bán điện sẽ vô hình chung đẩy các nhà đầu tư vào tình thế phá sản bởi hầu hết các doanh nghiệp đầu tư đều phải vay vốn ngân hàng với tỷ lệ vốn tự có đối ứng theo quy định. Việc dừng thanh toán tiền điện còn dẫn đến nguy cơ nợ xấu mất khả năng chi trả cả lãi lẫn gốc. Ngoài hàng trăm doanh nghiệp tỉnh Bình Dương còn hàng nghìn doanh nghiệp điện áp mái tại các tỉnh thành khác cũng sẽ có nguy cơ không thể tồn tại được vì vướng mắc này.

Cần tháo nút thắt chứ ko phải đóng lại

“Xét theo nội dung Quyết định khuyến khích đầu tư điện mặt trời của Chính phủ và Hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa công ty điện lực địa phương với doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời mái nhà, tôi cho rằng, đây là “lỗi hệ thống” phát sinh khi ngành điện mặt trời quá mới mẻ tại Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện, cùng các Bộ, ngành không thống nhất, không đưa ra các quy định hướng dẫn/bắt buộc doanh nghiệp thực hiện các thủ tục ngay từ đầu trong giai đoạn đầu tư. Mà đến nay sau khi tất cả các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã hoàn tất đầu tư đi vào vận hành thương mại thì mỗi cơ quan quản lý Nhà nước đều đưa ra các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau, các loại giấy phép con rườm rà… yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng phải hoàn thiện khiến chúng tôi vô cùng lo lắng...“ – đại diện các doanh nghiệp chia sẻ.

Để giải quyết những khó khăn trên, các chủ đầu tư kinh doanh điện áp mái tại tỉnh Bình Dương khẩn khoản kiến nghị, mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, nghiên cứu chỉ đạo các Bộ, Ngành phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương có phương án cụ thể, xét theo tình hình thực tế để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Không chỉ có tỉnh Bình Dương mà hàng nghìn doanh nghiệp tại các địa phương khác như Đồng Nai, Bình Thuận, An Giang, Long An.. cũng gặp vướng mắc như trên, vì sự phát triển của lĩnh vực năng lượng sạch, mong Thủ tướng hãy cứu giúp những doanh nghiệp như chúng tôi được tồn tại và phát triển, động viên khuyến khích các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào chủ trương của Nhà nước về phát triển năng lượng sạch“ – doanh nghiệp đề xuất.   

Trước những bất cập trên, các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đề xuất các Bộ ngành cần có phương án mở nút thắt chứ không phải trói lại. Đồng thời kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam cần nghiên cứu xem xét chỉ đạo công ty Điện lực các tỉnh thực hiện thanh toán tiền điện cho doanh nghiệp theo đúng hợp đồng mua bán điện đã ký với khách hàng nếu còn vướng mắc về hồ sơ An toàn xây dựng, An toàn PCCC thuộc thẩm quyền cấp phép của các cơ quan Quản lý nhà nước. Khi nào có quyết định rõ ràng và có kết luận từ các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sẽ chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với Bộ Công Thương; với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực thi Quyết định 13 của Chính phủ về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, sớm làm việc với các Bộ Công an, Bộ Xây dựng để tháo gỡ những vướng mắc về giấy phép xây dựng và PCCC; cho phép gia hạn thời hạn cấp phép PCCC đến hết tháng 12/2023 và cho phép chấp thuận Giấy chứng nhận an toàn kết cấu mái nhà xưởng đã lắp pin do tổ chức độc lập phát hành.

Trong đơn kiến nghị các doanh nghiệp cũng mong muốn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nghiên cứu thực tế những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để sớm làm việc với các Bộ liên quan tháo gỡ giúp các chủ đầu tư trong hoàn cảnh hết sức khó khăn này.

Đối với UBND tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp mong chính quyền sở tại hết sức quan tâm xem xét các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, có ý kiến chỉ đạo các Sở Công thương, Sở Xây dựng, nghiên cứu các phương án phù hợp, trên cơ sở thực tiến để giải quyết các vướng mắc và báo cáo các Bộ ngành nằm ngoài thẩm quyền để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được hoạt động đầu tư thuận lợi trên địa bàn tỉnh.

Diễn đàn doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp điện áp mái “cầu cứu” Thủ tướng tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713554657 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713554657 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10