Mặc dù cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần đóng góp, kiến nghị các vấn đề quan trọng, thế nhưng, các quy định liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn đó những vướng mắc chờ tháo gỡ.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa có thể coi là “bộ đôi luật mẹ”, quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, đồng thời chi phối hàng trăm luật khác. Do vậy, đây là hai đạo luật rất quan trọng, quyết định đến chi phí sản xuất của hàng hóa Việt Nam, tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế.”
Quá trình sửa đổi hai đạo luật này, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp đã nhiều lần đóng góp, kiến nghị các vấn đề quan trọng, thế nhưng, các quy định liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn đó những vướng mắc chờ tháo gỡ.
Cụ thể, liên quan đến quy định hàng hóa nhóm 2, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa phân loại hàng hóa thành 2 nhóm: hàng hóa nhóm 1 (ít nguy hiểm) và hàng hóa nhóm 2 (nguy hiểm, kiểm soát chặt). Các bộ, ngành sẽ ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 làm cơ sở quản lý.
Trước nội dung đã nêu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Danh mục hàng hóa nhóm 2 trong thời gian vừa qua gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp. Có tình trạng các bộ, ngành lạm dụng đưa hàng hóa vào Danh mục, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, ngô nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi là hàng hóa nhóm 2 với lý do nếu bảo quản không cẩn thận sẽ gây mốc, sinh ra độc tố aflatoxin gây ung thư gan. Giải thích như vậy là không hợp lý vì bản thân ngô không tiềm ẩn nguy cơ gây hại.
Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất, quy định cần tiến tới kiểm soát chặt chẽ việc ban hành Danh mục này. Cụ thể, không giao thẩm quyền này cho Bộ, ngành nữa, mà chuyển thẩm quyền lên cho Chính phủ. Đồng thời, cần cơ chế yêu cầu các bộ quản lý ngành phải công bố số liệu kiểm tra chất lượng hàng hóa. Việc định kỳ rà soát sẽ góp phần loại bỏ các mặt hàng mà thực tế cho thấy có nguy cơ thấp, rất ít vi phạm, trong khi nếu duy trì thì chi phí kiểm tra sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp.
Tham gia góp ý, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban thực phẩm và dinh dưỡng của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, cần bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, áp dụng mô hình của quốc tế là doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng cho sản phẩm và cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát theo quản lý rủi ro.
Đồng thời đề nghị, chuyển Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn thành một chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bỏ phân loại hàng hóa theo nhóm 1 và 2, mà phân loại theo nguy cơ (rủi ro thấp, trung bình, cao) để xác định tần suất hậu kiểm. Các hàng hóa có nguy cơ cao và dễ bị sử dụng không đúng mục đích như thuốc, vũ khí, vật liệu nổ thì cần phải đăng ký.
Cùng với vấn đề nêu trên, xoay quanh nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, không ít ý kiến cho rằng, phương thức quản lý hiện nay vẫn duy trì theo cách thức tiền kiểm, theo đó, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa nhóm hai sẽ phải thực hiện thủ tục hợp quy, công bố hợp quy và in nhãn bao bì trước khi đưa hàng ra thị trường. Hàng hóa nhập khẩu phải dừng tại cảng để lấy mẫu kiểm nghiệm.
Theo các doanh nghiệp, mô hình này bộc lộ các hạn chế. Một là, kết quả hợp quy chỉ dựa trên kết quả kiểm nghiệm của một mẫu thử, không mang tính đại diện nên hiệu quả quản lý thực chất còn hạn chế. Hai là, doanh nghiệp đã tuân thủ các quy chuẩn trong quá trình sản xuất nên việc yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Vì vậy, tư duy quản lý nên chuyển sang hậu kiểm trên cơ sở quản lý rủi ro. Ví dụ điển hình nhất cho thành công này là Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm áp dụng hậu kiểm giúp tiết kiệm 90% chi phí hành chính, đồng thời tỷ lệ vi phạm lại giảm so với trước khi thay đổi…
Thực tế, những vướng mắc trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa không phải là vấn đề mới, trước đó, quá trình tham gia góp ý sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cũng đã có văn bản đề xuất gửi đến các cơ quan liên quan với kỳ vọng những tồn tại, bất cập trong thực tế hoạt động hiện nay sẽ sớm được tháo gỡ bằng các chính sách phù hợp.