Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, ngập lụt xảy ra trên diện rộng, tỉnh Quảng Bình đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu để cứu trợ người dân.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến chiều ngày 20/10 mưa lũ đã làm 100.000 nhà dân đang bị ngập lụt; 256 thôn bản bị cô lập, chia cắt; gần 30.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp trong lũ.
Lực lượng chức năng Quảng Bình phải di dời khẩn cấp 28.404 hộ dân đến nơi tránh trú an toàn. Hiện nay, chính quyền các cấp đã chủ động phương tiện, lực lượng huy động nguồn lương thực, thực phẩm, nước uống... từ tất cả các nguồn để cứu trợ nhanh nhất cho người dân, cố gắng bằng mọi cách để cứu trợ và không để người dân bị đói, khát.
Thành phố Đồng Hới cũng đã huy động lực lượng gồm hàng trăm chiến cán bộ, chiến sỹ Công an, Quân đội, lực lượng tại chỗ ở các địa phương, sử dụng phương tiện xuồng, ca nô, xe cẩu… để cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp hơn 34 hộ dân với hơn 81 người bị cô lập do nước lũ lên nhanh, sóng lớn, mắc kẹt tại các trại chăn nuôi, cơ quan, khu dân cư ngập sâu.
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQVN huyện và các lực lượng Công an, Quân sự, lực lượng cứu hộ tại chỗ chia thành các đoàn về tận từng xã, thôn, phân bổ hàng cứu trợ đến từng hộ dân trong điều kiện an toàn và khẩn trương nhất. Song song với công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ di dời khẩn cấp, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân các vùng bị chia cắt, vùng ngập sâu tiếp tục được các địa phương, lực lượng chức năng và người dân ưu tiên đặc biệt.
Ứng cứu kịp thời, không để người dân đói
Được biết, ngày 20/10/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3927/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo hỗ trợ cứu đói cho Nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó đó, UBND tỉnh quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dữ trữ Quốc gia cho các huyện, thị xã, thành phố để cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Cụ thể: Huyện Lệ Thủy 200 tấn, huyện Quảng Ninh 150 tấn, huyện Bố Trạch 150 tấn, thị xã Ba Đồn 140 tấn, huyện Minh Hóa 130 tấn, huyện Tuyên Hóa 120 tấn, huyện Quảng Trạch 100 tấn, thành phố Đồng Hới 10 tấn.
Theo ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, tình hình mưa lũ trên địa bàn vẫn còn rất phức tạp, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị cô lập trong lũ lớn. Hiện huyện đang tập trung cứu trợ, quyết tâm không để ai đói và rét do mưa lũ.
Để thuận tiện và nhanh nhất cho việc cứu giúp bà con, huyện đã thành lập một tổ chỉ đạo tiếp nhận hàng cứu trợ tại 2 điểm là ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy và tại xã Mai Thủy do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đứng ra tiếp nhận. Hiện đã có rất nhiều tổ chức, đoàn thể đã đến được với huyện Lệ Thủy cứu trợ với hàng nghìn suất quà. Để tiếp nhận, huyện đã huy động khoảng 150 thuyền, ca nô từ các xã vùng biển, lực lượng vũ trang và các xã để nhận hàng.
Cùng với đó, Hội Phụ nữ thành phố phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân thành lập 7 bếp ăn chủ động để cung cấp hơn 5.800 suất ăn, cùng với các thực phẩm tiêu dùng thiết yếu như mỳ tôm, bánh kẹo, nước uống… cho các bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa thành phố, nhân dân trên địa bàn và các địa phương khác.
Bà Lê Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh chia sẻ, trong 2 ngày 19 và 20-10, hơn 6.000 suất cơm của các cấp hội phụ nữ đã được trao tận tay cho bà con vùng lũ và 100 suất cháo, cơm đã được trao cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân vùng lũ.
Tại tổ dân phố Liên Cơ, thị trấn Nông trường Lệ Ninh, địa phương ít bị ảnh hưởng do lũ lụt đã hình thành nên mô hình “Bếp yêu thương” của chị em phụ nữ trong. Thông qua mạng xã hội, “Bếp yêu thương” nhận được số tiền gần 250 triệu đồng gửi về. Chị em người góp gạo, người góp công đỏ lửa nấu cơm chi viện nhân dân vùng dưới.
Để mỗi suất cơm nhanh đến tay người dân, “Bếp tình thương” phối hợp với CLB khởi nghiệp Lệ Thủy, huy động 4 chiếc bơ nan của trai biển Ngư Thủy tăng cường vào. Trong 2 ngày qua, hơn 3.000 suất cơm từ “Bếp yêu thương” được ca-no, đò, bơ nan chuyển đến các xã Sơn Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, Mỹ Thủy… làm ấm lòng bà con vùng lũ.
Nhiều nơi, các đơn vị từ thiện, nhà hảo tâm và người dân cũng đã và đang chung tay hướng về người dân vùng lũ. Hàng trăm phương tiện chuyên chở hàng cứu trợ từ Bắc, Trung, Nam hội tụ về giúp đỡ người dân Quảng Bình. Trên bến thuyền dã chiến, ca-nô, thuyền máy được huy động chuyển tiếp hàng đến với đồng bào vùng lũ.
Có thể bạn quan tâm