Quảng Nam: Khối doanh nghiệp nợ bảo hiểm hơn 228 tỷ đồng

TUẤN VỸ 02/03/2023 13:00

Tính đến hết tháng 01 năm 2023, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang hơn 228 tỷ đồng.

>>Quảng Nam có “nhẹ tay” với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội?

Nhiều đơn vị nợ kéo dài

Thông tin từ BHXH tỉnh Quảng Nam, tính đến hết tháng 01 năm 2023, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN trên toàn tỉnh trên 284 tỷ đồng. Trong đó nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN của khối doanh nghiệp hơn 228 tỷ đồng.

Nợ của các đơn vị Hành chính - sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, cán bộ xã, phường, thị trấn…hơn 27,605 tỷ đồng. Còn lại, nợ tiền BHYT của các đối tượng do Ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng hơn 28,038 tỷ đồng.

Theo BHXH Quảng Nam, trong tổng số tiền nợ trên toàn tỉnh, có 886 đơn vị nợ kéo dài từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ hơn 117 tỷ đồng. Trong đó, có những đơn vị nợ khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền nợ hơn 38 tỷ đồng. Riêng đối với những đơn vị, doanh nghiệp còn đang hoạt động có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 100 triệu đồng, hoặc số tháng nợ từ 12 tháng trở lên 150,9 tỷ đồng.

a

Người lao động tại Quảng Nam từ phản ứng về việc doanh nghiệp nợ đóng BHXH, BHTN, BHTN,... suốt một thời gian dài ảnh hưởng đến quyền lợi.

Để giải quyết các vấn đề nợ BHXH, BHYT, BHTN,... năm 2023, BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra – kiểm tra chuyên ngành, phối hợp với các sở ban ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời, phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp kiên quyết khởi kiện đối với các đơn vị nợ đọng tiền BHXH với số lượng lớn, nợ kéo dài, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

“Tiếp tục phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh theo Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp góp phần đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự trong việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”, theo BHXH tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, đã có nhiều sự việc người lao động tại Quảng Nam đình công, đòi quyền lợi vì doanh nợ BHXT, BHYT, BHTN kéo dài. Địa phương cũng đã yêu cầu doanh nghiệp sớm thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên đến nay vấn đề nợ BHXT, BHYT, BHTN trên địa bàn vẫn tái diễn.

Xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN việc doanh nghiệp chậm đóng, nợ hoặc trốn tránh đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ ảnh hưởng đến quyền được hưởng các chế độ từ việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động theo quy định của pháp luật mà đáng lẽ người lao động được hưởng. Theo Luật sư Sương, chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Theo Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng khi có một trong các hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.

Ngoài ra còn có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng. Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Đây là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp thì mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân”, Luật sư Nguyễn Sương cho biết.

a

Luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN cho rằng chậm đóng BHXH, BHYT và BHTN là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Sương, doanh nghiệp còn bị buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội và nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

“Nếu hành vi của doanh nghiệp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì doanh nghiệp là pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP với mức xử phạt cao nhất từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng”, Luật sư Sương trích dẫn.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát để xử lý nghiêm minh, kịp thời các doanh nghiệp đang có hành vi chậm đóng, nợ, trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động. Tổ chức tuyên truyền định kỳ hàng năm cho người lao động nắm rõ về quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT và BHTN và hướng dẫn cho người lao động khiếu nại, khiếu kiện, trình báo đến cơ quan có thẩm quyền khi nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động.

“Thực tế hiện nay việc xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” đang gặp không ít khó khăn vì vậy kiến nghị các nhà lập pháp cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, có hướng dẫn cụ thể hơn và nâng mức chế tài đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp”, Luật sư Nguyễn Sương nói thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo Hiểm Xã Hội Bạc Liêu: Từng bước mở rộng diện bao phủ

    Bảo Hiểm Xã Hội Bạc Liêu: Từng bước mở rộng diện bao phủ

    23:06, 27/12/2022

  • Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần

    Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần

    04:00, 18/12/2022

  • Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài

    Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài

    03:50, 11/12/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội

    20:51, 23/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Khối doanh nghiệp nợ bảo hiểm hơn 228 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO