Quảng Ninh siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường

Diendandoanhnghiep.vn Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua vẫn còn những thách thức, hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

>>> Quảng Ninh: “Siết chặt” quản lý trong kinh doanh xăng dầu

Siết chặt quản lý

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ninh: Ngay từ đầu năm Sở đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch và đầu tư tại các dự án sản xuất kinh doanh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Sông Khoai của Công ty CP đô thị Amata Hạ Long - xã Sông Khoai - TX Quảng Yên. Sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu với hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, Đoàn kiểm tra ghi nhận Công ty CP đô thị Amata Hạ Long trong quá trình thực hiện giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án KCN Sông Khoai - giai đoạn 1 với diện tích 123ha đã cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định.

Cụ thể, như lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được Bộ TN&MT phê duyệt; lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường được Bộ TN&MT thẩm định; bố trí các kho lưu giữ chất thải nguy hại. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra cũng cho thấy, trong quá trình triển khai hoạt động, Công ty vẫn còn một số tồn tại. 

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai (ảnh bảo Quảng Ninh)

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Khoai (ảnh bảo Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Thành Long – Đại diện Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Có nhiều quy định mới về môi trường, Công ty vẫn chưa nắm bắt kịp thời, do vậy ngay sau khi có sự hướng dẫn của đoàn kiểm tra, chỉ trong vòng 2 ngày, Công ty khắc phục xong những tồn tại như: Thu dọn chất thải công nghiệp thông thường đưa đi xử lý theo quy định; xây dựng gờ chắn chống tràn chất nguy hại ra môi trường; tăng cường phun nước, công nhân quét dọn tại tuyến đường ra vào dự án.

Cùng với việc kiểm tra theo kế hoạch, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở TN&MT cũng đã chủ trì tổ chức 8 cuộc kiểm tra, làm việc đối với các đơn vị theo chỉ đạo của tỉnh, kiến nghị của người dân cũng như phản ánh của cơ quan báo chí đối với các đơn vị, tổ chức gây ô nhiễm môi trường hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường.

Trước đó, sau khi nhận được nội dung kiến nghị của người dân về tiếng ồn, độ bụi liên quan đến hoạt động sản xuất đá tại xã Dân Chủ - TP Hạ Long của Công ty TNHH Hưng Thịnh, Sở TN&MT đã phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chuyên môn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hưng Thịnh. Qua kiểm tra cho thấy, Công ty đã trang bị hệ thống phun sương dập bụi tại tuyến đường vận chuyển từ khai trường ra QL279. Trang bị hệ thống phun nước tại các đầu máng băng tải, quây lưới đen xung quanh khu vực nghiền đá để giảm bụi. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, các hệ thống này đã giảm tác dụng dẫn đến phát tán bụi ra môi trường xung quanh.

Lãnh đạo Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT) theo dõi, giám sát các chỉ số do các trạm quan trắc môi trường tự động chuyển về tại Trung tâm Điều hành (ảnh báo Quảng Ninh)

Trung tâm Quan trắc TN&MT theo dõi, giám sát các chỉ số do các trạm quan trắc môi trường tự động chuyển về tại Trung tâm Điều hành (ảnh báo Quảng Ninh)

Trước thực trạng này, Sở đã yêu cầu Công ty khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, tổ chức giám sát rung chấn trong quá trình nổ mìn. Sau đó, Công ty TNHH Hưng Thịnh đã khắc phục những tồn tại trên và kết quả quan trắc rung chấn trong giới hạn cho phép.

Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững

Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Từ những chỉ đạo quyết liệt, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng, đưa vào vận hành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (5 khu xử lý liên vùng, liên huyện, 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo, đầu tư 20 lò đốt đã hoạt động và 7 lò đốt đang được trang bị mua sắm, đầu tư; 5 lò đốt đầu tư cho các xã, đảo, vùng sâu, vùng xa…).

Tỉnh cũng chấm dứt hoạt động 100% lò vôi thủ công từ năm 2018. Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đã được các địa phương tích cực thực hiện. Đến nay có 11/13 địa phương đã xây dựng kế hoạch di dời, 2 địa phương còn lại (Quảng Yên, Tiên Yên) đang triển khai xây dựng. 100% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% các KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung 

Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%. 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý. 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hiện toàn tỉnh lắp đặt, vận hành thường xuyên, liên tục 148 trạm quan trắc tự động môi trường nước, không khí.

Trạm xử lý nước thải mỏ Núi Nhện (TP Cẩm Phả) do Công ty TNHH MTV Môi trường đầu tư quản lý và vận hành (ảnh báo Quảng Ninh)

Trạm xử lý nước thải mỏ Núi Nhện do Công ty TNHH MTV Môi trường đầu tư quản lý và vận hành (ảnh báo Quảng Ninh)

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Để công tác bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy hiệu quả tỉnh cũng tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và BVMT. Chỉ tính năm 2021, UBND tỉnh và các sở, ngành đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đối với 681 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền xử phạt trên 12,7 tỷ đồng. Xử lý hình sự 23 vụ/37 bị can.

Mặc dù vậy công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những thách thức, hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác than, các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ, nhiều khu vực không được đầu tư nâng cấp, cải tạo kịp thời. Công nghệ khai thác khoáng sản ngoài than còn lại hậu, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chế biến sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên ở một số địa phương, ngành, lĩnh vực còn lãng phí, hiệu quả còn thấp và chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh phí đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu cao của sự phát triển bền vững...

Khi chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, nhiều vấn đề và thách thức môi trường mới nảy sinh, đòi hỏi công tác quản lý môi trường, quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ phải thay đổi. Điều này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh cần kiên định với quan điểm BVMT đã đề ra, tiếp tục xây dựng định hướng chiến lược, các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể nhằm tập trung nguồn lực, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh siết chặt công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711720559 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711720559 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10