Trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đều ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.
>>>Quảng Ninh: Ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân
>>>Quảng Ninh: Đưa công nghệ hữu cơ vào nông nghiệp để phát triển bền vững
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và khó khăn của doanh nghiệp, người dân, trong các năm 2020, 2021 tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo và chủ động, tích cực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo các chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại Hội nghị phân tích các chỉ số cải cách của tỉnh (tháng 7/2021), Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn đánh giá: Trong bối cảnh dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn tổ chức được nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, quy mô từ cấp huyện, sở, ngành cho tới cấp tỉnh, để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng kinh doanh.
Trong đó phải kể đến việc kịp thời đưa ra một số nghị quyết hỗ trợ khôi phục hoạt động của ngành dịch vụ, du lịch, với gói kích cầu hàng trăm tỷ đồng. Hay những giải pháp tháo gỡ khó khăn rất kịp thời cho các ngành trọng điểm như Than, Điện; đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo… Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh yên tâm, mà còn thu hút được nhiều nhà đầu tư khác đến với tỉnh.
Được biết, để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, năm 2021 tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh, để tháo gỡ khó khăn. Qua đó, trong số 92 kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị, đã có 73 kiến nghị được giải quyết, liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, GPMB, du lịch, thương mại, XNK. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
>>>Hải quan Quảng Ninh: Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp
Nhờ các biện pháp triển khai tích cực, năm 2021 Quảng Ninh có khoảng 2.000 đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới, 876 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh trước đó hoạt động trở lại. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 16.800 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, với số vốn đăng ký 259.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bằng Phi, Phó Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm cho biết: Chính quyền các cấp hỗ trợ về pháp lý, luôn giám sát, lắng nghe vướng mắc của công ty, kịp thời giải quyết có hiệu quả, đi vào thực chất vấn đề. Đơn cử, tỉnh Quảng Ninh đã thận trọng xem xét các vấn đề liên quan về năng lực nhà đầu tư, cho phép doanh nghiệp tiếp tục thực hiện 2 dự án đô thị tại phường Trưng Vương. Về phía TP Uông Bí, ngay khi tổ UBIC được thành lập, buổi làm việc đầu tiên, tổ công tác đã lựa chọn đơn vị làm việc trực tiếp, qua đó nhiều vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được tổ tiếp thu, giải quyết kịp thời; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin bằng việc thành lập trang Zalo cung cấp thông tin liên quan, chính sách mới, chỉ đạo điều hành của chính quyền ...giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nắm được chủ trương, định hướng phát triển. Doanh nghiệp đánh giá rất cao sự vào cuộc của chính quyền các cấp, mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để công ty đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn ông Phi nói!
Đi trước đón đầu…
Trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược. Từ đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... của tỉnh liên tục có bước phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong nước huy động nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế, Cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc… nhằm thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tỉnh vẫn khởi công, khởi động 4 dự án trọng điểm với mức đầu tư lên đến 283.000 tỷ đồng: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Sân golf Đông Triều; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1); Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Ngày 26/1/2022, Quảng Ninh đã tổ chức khánh thành Cầu Tình Yêu và Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1), công trình đánh dấu mốc ấn tượng về kỷ lục thời gian thi công nhanh nhất, góp phần mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương tiên phong, mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp khảo sát chất lượng hoạt động, điều hành của bộ máy chính quyền cấp cơ sở thông qua bộ chỉ số DDCI. Các chỉ số của DDCI tỉnh liên tục được cập nhật, điều chỉnh để bám sát với các vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, theo hướng ngày càng phản ánh tốt hơn cảm nhận và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp với chất lượng phục vụ của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, không tránh né những vấn đề nhạy cảm.
Ông Trịnh Xuân Đức, Trưởng BQLDA, Công ty CP Sân golf Silk Path (Hà Nội) cho biết: doanh nghiệp đang triển khai dự án Sân golf Đông Triều, tại xã An Sinh (TX Đông Triều) với tổng diện tích 128,7ha, quy mô 27 hố tiêu chuẩn quốc tế. Quá trình triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất lớn từ các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương cùng các sở, ngành thường xuyên kiểm tra tiến độ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong GPMB. Đặc biệt trong công tác chuẩn bị đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư và tạo môi trường kêu gọi đầu tư nhận được sự quan tâm rất lớn từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA). Dự án được triển khai với tốc độ nhanh nhất, chỉ trong thời gian chưa đầy 1 năm từ khi nghiên cứu đến khi khởi công dự án. Doanh nghiệp rất ghi nhận sự vào cuộc của chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh và mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn nữa trong công tác triển khai đầu tư dự án như bàn giao mặt bằng, thẩm định thiết kế và cấp phép… để doanh nghiệp sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cũng chính vì sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp mà nhờ đó trong năm qua, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động SXKD, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD. Trong đó, có 85 dự án trên địa bàn các KCN, KKT, tổng vốn đầu tư đăng ký 4,19 tỷ USD; 60 dự án ngoài KCN, KKT, tổng vốn đầu tư trên 3,96 tỷ USD. Luỹ kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 5,69 tỷ USD, đạt 70% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Doanh thu của các doanh nghiệp FDI 5 năm gần đây đạt 8 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước trên 6.400 tỷ đồng./.
Có thể bạn quan tâm