Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn thiếu thống nhất

ANH KHÔI 07/01/2023 03:30

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, VCCI cho rằng, nội dung giải trình tại Tờ trình và quy định tại Dự thảo không thống nhất với nhau…

>> Dự thảo Nghị định về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nguy cơ gây bất bình đẳng

Theo đó, trả lời Công văn số 4181/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung giải trình tại Tờ trình và quy định tại Dự thảo không thống nhất với nhau.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn thiếu thống nhất - Ảnh minh họa: Internet

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn thiếu thống nhất - Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, Mục IV.2 Tờ trình giải trình về các nội dung cơ bản của Dự thảo, nêu: “Dự thảo Nghị định đã chỉnh sửa các quy định tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP liên quan đến việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: “Tịch thu tang vật là giấy phép, chứng chỉ hành nghề… bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung” đối với hành vi cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động thành biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ đó”.

Theo VCCI, nội dung này đưa đến cách hiểu sẽ bỏ hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật … làm sai lệch nội dung”, thay thế là biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận … chứng chỉ đó”.

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật … làm sai lệch nội dung” tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và chỉ bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại giấy chứng nhận … chứng chỉ đó”. Đồng thời, Dự thảo cũng không có quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, như giải trình tại Tờ trình.

“Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bỏ khoản 3 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP và quy định về thủ tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, như giải trình tại Tờ trình”, VCCI góp ý.

>> Kết quả triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đảm bảo tính định lượng

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi - Ảnh minh họa: Internet

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, về nội dung: “Đối với một số hành vi “tẩy xoá, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp” mà giấy tờ, văn bản đó không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc nộp lại bản chính giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp, trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu…” thay cho biện pháp khắc phục hậu quả “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” tại Nghị định số 82/2020/NĐ-CP”.

VCCI cho rằng, nội dung này được hiểu, Dự thảo sẽ bỏ biện pháp khắc phục hậu quả: “kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung” và thay thế vào đó là biện pháp “Buộc nộp lại bản chính … trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu.” Đối với hành vi “tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp”.

Tuy nhiên, Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hình thức xử phạt bổ sung “kiến nghị cơ quan, tổ chức người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này” đối với hành vi vi phạm liên quan đến tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định bãi bỏ điểm a khoản 4 Điều 5 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Ngoài những nội dung đã nêu, góp ý việc sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP (khoản 4 Điều 1 Dự thảo), VCCI cho rằng, khoản 4.a Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 5a “phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”.

“Quy định này có nguy cơ chồng lấn với quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng”. Hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 đã bao trùm hành vi của quy định bổ sung 5a”, VCCI đánh giá.

Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định bổ sung khoản 5a, đồng thời bỏ quy định “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 5a Điều này”.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nguy cơ gây bất bình đẳng

    Dự thảo Nghị định về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nguy cơ gây bất bình đẳng

    03:30, 25/12/2022

  • Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về phòng, chống rửa tiền còn thiếu rõ ràng

    Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về phòng, chống rửa tiền còn thiếu rõ ràng

    03:30, 24/12/2022

  • Cần làm rõ nguyên tắc hỗ trợ trong Dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ chăn nuôi

    Cần làm rõ nguyên tắc hỗ trợ trong Dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ chăn nuôi

    03:30, 16/11/2022

  • Cân nhắc việc chồng lấn trong Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin

    Cân nhắc việc chồng lấn trong Dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin

    03:40, 30/10/2022

  • Dự thảo Nghị định về quản lý hội của Bộ Nội vụ còn một số quy định gây khó cho hoạt động

    Dự thảo Nghị định về quản lý hội của Bộ Nội vụ còn một số quy định gây khó cho hoạt động

    03:30, 26/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp còn thiếu thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO