Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống rửa tiền, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ một số nội dung liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi, trì hoãn giao dịch…
>> Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bịt “kẽ hở” quản lý… tiền ảo
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có trả lời Công văn số 4173/TTGSNH5 ngày 01/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống rửa tiền và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.
Cụ thể, góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống rửa tiền (Dự thảo), VCCI cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn thiếu rõ ràng.
Như, Điều 6.2 Dự thảo quy định cách xác định chủ sở hữu hưởng lợi, cụ thể, cá nhân chi phối là cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ hoặc chi phối bằng phương thức khác. Tuy nhiên, quy định này có một điểm chưa rõ ràng ở chỗ “chi phối bằng phương thức khác” là phương thức nào? Thuật ngữ “chi phối” cũng chưa được định nghĩa nên việc xác định các phương thức khác sẽ càng khó khăn hơn.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
Hay như, Điều 6.3 Dự thảo yêu cầu xác định chủ sở hữu hưởng lợi với khách hàng là đại diện cho thỏa thuận pháp lý.
“Tuy nhiên, không rõ “đại diện cho thỏa thuận pháp lý” là gì? Việc xác định chủ sở hữu hưởng lợi ở đây có phải là xác định cá nhân chi phối của tổ chức ủy thác hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này”, VCCI góp ý.
>> Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính
Ngoài ra, về trì hoãn giao dịch, theo VCCI, Dự thảo quy định các đối tượng báo cáo phải trì hoãn giao dịch trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó có các tổ chức trung gian thanh toán.
Thế nhưng, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong các tổ chức trung gian thanh toán, chỉ có các tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử mới có thể thực hiện được việc này, còn các tổ chức trung gian thanh toán khác không thể vì không thiết lập quan hệ trực tiếp, không quản lý hồ sơ khách hàng mà chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp khác thực hiện giao dịch thanh toán. Khi đó, các tổ chức này không có đầy đủ cơ sở để xác định khách hàng nằm trong danh sách đen và yêu cầu trì hoãn giao dịch như quy định tại Dự thảo.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề này trong Dự thảo.
Bên cạnh đó, góp ý về nội dung cung cấp thông tin cho ngân hàng đại lý, VCCI cho rằng, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong mối quan hệ ngân hàng đại lý, ngân hàng đối tác nước ngoài thường xuyên yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng và giao dịch của khách hàng được thực hiện qua tài khoản Nostro mở tại đối tác.
Tuy nhiên, pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định việc cung cấp thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền. Việc này có thể gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc tuân thủ quy định phòng, chống rửa tiền cũng như quy định về bảo mật thông tin.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc cung cấp thông tin cho đối tác nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.
Cũng tại văn bản trả lời, bên cạnh những nội dung đã nêu, về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, VCCI cho biết, hiện, VCCI chưa nhận được ý kiến góp ý nào về Dự thảo này. VCCI sẽ chuyển tới Quý Cơ quan nếu nhận được thêm các ý kiến đóng góp.
Có thể bạn quan tâm
Ngăn chặn nguy cơ rửa tiền qua bất động sản
14:54, 01/11/2022
Làm rõ “bức tranh” hoạt động rửa tiền
12:41, 01/11/2022
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bịt “kẽ hở” quản lý… tiền ảo
04:00, 01/11/2022
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để đáp ứng yêu cầu hội nhập
02:00, 01/11/2022
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính
00:20, 23/10/2022