Ngăn chặn nguy cơ rửa tiền qua bất động sản

MAI AN 01/11/2022 14:54

Hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản khá là nhức nhối khi các quy định pháp luật về rửa tiền còn nhiều hạn chế, cần có thêm các chế tài.

>>Làm rõ “bức tranh” hoạt động rửa tiền

Theo đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An), việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công

Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, cần bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chồng rửa tiền là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến.

Nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đó là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần.

Trên thực tế, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, hoạt động rửa tiền thông qua bất động sản được xem là một trong những kênh đầu tư mà tội phạm rửa tiền dễ khai thác.

>>Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản “hai giá”

Cần  quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà

Đáng chú ý, theo PGS. TS. Doãn Thị Hồng Nhung, giảng viên cao cấp khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc rửa tiền ở Việt Nam trong thời gian vừa qua ngày càng tinh vi hơn, số lượng tiền ngày càng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cũng có hình thức hợp thức hóa các khoản tiền bằng cách vui chơi có thưởng, xổ số trúng thưởng có giá trị lớn và quà tặng quà khuyến mại kèm theo bất động sản, ví dụ mua một biệt thự giá từ bao nhiêu đó, thì được tặng một căn hộ hoặc một biệt thự...

Bà Nhung cho hay, đối tượng rửa tiền có thể nhờ người thân, người quen những người tin cậy để gửi các tài sản đó nhằm che giấu nguồn gốc. Có những trường hợp mở đến mấy chục tài khoản tại các ngân hàng để đứng ra giao dịch, mua hàng chục biệt thự giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, hay gửi tặng nhau các cổ phần trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng để xem xét và truy cứu những vấn đề này thì còn nhiều khó khăn.

Cùng chung nhận định trên, TS.LS. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho biết, các trường hợp phạm tội chiếm được nhiều tiền thường sử dụng tiền đó để mua nhà đất. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc tiền để mua nhà. Nếu rà soát sẽ thấy, có một bộ phận người có chức vụ quyền hạn cao, trong kê khai tài sản hằng năm thì không có gì, nhưng các anh em con cháu lại đứng tên các tài sản rất lớn.

Như vậy để thấy, hoạt động rửa tiền đối với lĩnh vực bất động sản khá là nhức nhối khi các quy định pháp luật về rửa tiền còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện pháp luật đấu tranh ngăn ngừa với hành vi phạm tội vẫn còn những khoảng trống, dẫn đến câu chuyện tiền phạm tội không chỉ để mua vàng, chuyển ra nước ngoài mà còn sẵn sàng chuyển thành các bất động sản.

Theo các chuyên gia, cần có những quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng này. Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cần có chế tài với tổ chức, cá nhân phát hiện ra hành vi rửa tiền qua bất động sản mà không báo cơ quan chức năng.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, LS Đặng Văn Cường cho rằng nên mở rộng các đối tượng hoạt động phải báo cáo trong Luật phòng chống rửa tiền, bổ sung thêm đối tượng là các giao dịch giữa các cá nhân với nhau, liên quan đến hoạt động bất động sản phải có cơ chế để kiểm soát, giám sát, xác định ngay nguồn tiền trong các giao dịch ngay từ đầu.

“Ví dụ, các cơ quan công chứng, sàn giao dịch bất động sản có trách nhiệm yêu cầu bên mua, nhận chuyển nhượng phải cung cấp các thông tin tài liệu chứng minh số tiền đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì công chứng viên có quyền từ chối giao dịch” – LS Cường kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản

    Kiểm soát hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản

    05:00, 01/11/2022

  • Thanh lọc môi giới bất động sản

    Thanh lọc môi giới bất động sản

    08:05, 31/10/2022

  • 5 dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản

    5 dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản

    01:00, 31/10/2022

  • Nguồn cung bất động sản tiếp tục “tắc nghẽn”

    Nguồn cung bất động sản tiếp tục “tắc nghẽn”

    01:25, 29/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngăn chặn nguy cơ rửa tiền qua bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO