Bình luận

“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản - Bài cuối: Giải bài toán khan hiếm vật liệu san lấp

Hương Giang 23/08/2024 15:17

Bàn nhiều, nói nhiều, song vấn đề cốt lõi vẫn là lựa chọn và tối ưu các giải pháp để khơi thông thể chế, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.

khai thac cat2
Áp dụng phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) đối với các mỏ VLXD được xem là một trong giải pháp giải quyết được bài toán khan hiếm VLXD.

Đó là chia sẻ của chuyên gia và các doanh nghiệp xoay quanh các giải pháp về quản lý các mỏ khoáng sản nhằm giải bài toán thiếu vật liệu xây dựng (VLXD) cho các dự án đầu tư công và các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Lựa chọn giải pháp tối ưu

Theo ông Huỳnh Minh Tấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng TM & Đầu tư Huy Ngọc Hưng, hàng nghìn kilomet cao tốc Bắc - Nam và hàng trăm các dự án đầu tư công trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố đều có nhu cầu lớn về nguồn VLXD, như: cát, đá, đất san lấp... Thế nhưng, chủ đầu tư và nhà thầu lại luôn bị động về nguồn VLXD phục vụ cho các dự án là vấn đề rất đáng lưu ý. Bởi, khi triển khai dự án, bên cạnh những áp lực về tiến độ giải phóng mặt bằng để giao cho các nhà thầu thi công thì chủ đầu tư và các nhà thầu lại tiếp tục phải chạy đôn, chạy đáo lo nguồn VLXD phục vụ cho dự án là hết sức bất cập.

Cũng theo ông Tấn, vấn đề ở đây là chúng ta đang thiếu cơ chế, thể chế trong quản lý, vận hành các mỏ khoáng sản tại các địa phương.
“Bàn nhiều, nói nhiều nhưng do vướng các quy định nên mỗi khi có dự án triển khai đều phải đề xuất. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn đi vào “lối mòn”, vẫn áp dụng cơ chế “xin - cho”. Vì sao không phải là các quy định cụ thể, áp dụng chung cho các dự án hay từng loại dự án? Vì vậy, để giải bài toán này vấn đề cốt lõi vẫn là lựa chọn và tối ưu các giải pháp để khơi thông thể chế, góp phần mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý đối với các mỏ khoáng sản tại các địa phương vốn đang tồn tại nhiều bất cập như hiện nay”, ông Tấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP), cho rằng: trong năm 2024, TP.HCM sẽ phải giải ngân hơn 79.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, chưa kể, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài, thì nguồn VLXD phục vụ cho các dự án này sẽ là một áp lực cho TP. Trong đó, nguồn VLXD là đất đắp nền, cát... đang là vấn đề nan giải.

“Hiện nay, cát phục vụ cho các dự án đang triển khai theo tiến độ về cơ bản tạm đủ, nhưng về tổng thể vẫn đang thiếu do một số địa phương đang làm thủ tục. Do đó, UBND TP HCM đã cho phép các nhà thầu linh động sử dụng cát nhập từ Camphuchia để đảm bảo tiến độ cho các dự án. Song, việc sử dụng cát nhập từ Campuchia phục vụ cho dự án đang có sự chênh lệch về giá nên cũng phải bàn đi bàn lại”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Khơi thông thể chế

“Để chủ động và có kế hoạch dài hơi đối với nguồn VLXD phục vụ cho các dự án rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương và khẩn trương nghiên cứu và đưa ra các giải pháp căn cơ để giải bài toán VLXD, phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm”, ông Phúc đề xuất.

Cũng theo ông Phúc, bên cạnh đó, các địa phương nằm trong vùng, có ký kết liên kết vùng cũng cần có kế hoạch, họp bàn và đưa ra thảo luận về quy chế liên kết để có thể hỗ trợ cho nhau chia sẻ nguồn VLXD, đặc biệt là các địa phương có trữ lượng, các mỏ khoáng sản lớn, cần sớm đưa vào quy hoạch, kiểm đếm để đưa ra đấu giá, đấu thầu. Và giải pháp áp dụng phương thức hợp tác đối tác công tư (PPP) để khơi thông nguồn VLXD, phục vụ cho các dự án đầu tư công cũng là vấn đề mà các địa phương cần lưu ý.

Nhận định về phương thức PPP đối với lĩnh vực khoáng sản, PGS-TS Trần Chủng, cho rằng: Luật số 64/2020/QH14 của Quốc hội về đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Như vậy, đây là một cơ hội mở cho các địa phương nếu áp dụng vào các dự án để đấu giá, đấu thầu theo phương thức PPP, đặc biệt là lĩnh vực khoáng sản.

Cũng theo PGS-TS Trần Chủng, nếu áp dụng theo phương thức PPP thì địa phương sẽ có lợi, quốc gia có lợi và doanh nghiệp cũng có lợi. Sở dĩ, các dự án đầu tư công đều sử dụng nguồn ngân sách, bao gồm: nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, một số địa phương không sắp xếp được nguồn vốn ngân sách khiến nhiều dự án không thể triển khai.

“Vì vậy, khi áp dụng phương thức PPP chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tham gia. Đây chính là giải pháp để khơi thông thể chế, một mặt Nhà nước giải quyết được bài toán khan hiếm VLXD, đồng thời, giải quyết được nguồn kinh phí phục vụ cho các dự án đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, PGS-TS Trần Chủng nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản - Bài cuối: Giải bài toán khan hiếm vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO